Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Pleiku xã hội hóa việc sửa chữa, cải tạo vỉa hè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc sửa chữa, cải tạo vỉa hè ở TP. Pleiku không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, tạo diện mạo mới cho phố núi.
Thành phố Pleiku đẩy mạnh xã hội hóa sửa chữa, cải tạo vỉa hè các tuyến phố. Ảnh: Duy Lê
Thành phố Pleiku đẩy mạnh xã hội hóa sửa chữa, cải tạo vỉa hè các tuyến phố. Ảnh: Duy Lê

Công việc này cần tiến hành đồng bộ với các công trình, dự án khác như: nâng cấp, chỉnh trang các tuyến đường, hệ thống đèn chiếu sáng, hệ thống thoát nước, hệ thống dây điện, cáp viễn thông, hệ thống bồn hoa và cây xanh mới phát huy cao nhất hiệu quả đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên, với nguồn vốn có hạn, TP. Pleiku không thể đồng thời cùng một lúc làm tất cả các công việc trên nên chủ trương xã hội hóa các nguồn lực, trong đó có xã hội hóa sửa chữa, cải tạo vỉa hè.

Chủ trương trên thực hiện theo phương châm ‘‘Nhà nước và Nhân dân cùng làm’’. Theo đó, UBND TP. Pleiku chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, sự chia sẻ có trách nhiệm của từng hộ gia đình và sự tham gia trực tiếp của mỗi người dân. Tuy nhiên, ban đầu, việc triển khai gặp không ít khó khăn. Tại các cuộc họp tổ dân phố, nhiều người cho rằng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật (trong đó có vỉa hè) là trách nhiệm của Nhà nước nên chỉ thống nhất việc cải tạo vỉa hè, không đồng tình việc đóng góp kinh phí.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động ở nhiều nơi chưa đủ sức thuyết phục, chủ trương và biện pháp thực hiện giữa các cấp lãnh đạo, một số ban, ngành chưa có sự thống nhất cao, cán bộ kỹ thuật giải thích cho dân cũng không đầy đủ, dẫn đến tình trạng cán bộ cơ sở thiếu tự tin khi đi làm công tác vận động.

Những hạn chế này sau đó được khắc phục kịp thời, người dân dần hiểu rõ chủ trương, thấy được lợi ích của mình trong cuộc vận động này nên đồng tình ủng hộ, thống nhất cao với mức đóng góp (người dân 25%, Nhà nước 75%) và các phương án kỹ thuật được thông báo công khai tại các buổi họp dân.

Nhờ đồng thuận cao, hầu hết các hộ dân đều vui vẻ đóng góp kinh phí kịp thời, đầy đủ. Một số ít hộ có hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn đề nghị miễn, giảm hoặc đóng góp nhiều đợt. Trong quá trình triển khai, nhiều gia đình không chỉ góp tiền, góp công, chủ động tháo dỡ nhà cửa, tường rào, vật kiến trúc mà còn hiến đất để mở rộng vỉa hè.

Tiêu biểu như gia đình bà Trần Thị Sang (tổ 2, phường Hội Phú) hiến gần 2 m đất mặt tiền đường Nguyễn Viết Xuân; gia đình ông Đỗ Thành Phương (tổ 4, phường Hoa Lư) hiến 54 m2 đất nhà ở để phục vụ việc mở rộng vỉa hè tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám; gia đình anh Trần Quốc Cường (tổ 3, phường Phù Đổng) tự giác tháo dỡ, di dời toàn bộ vật kiến trúc của gia đình để phục vụ thi công...

Vỉa hè của nhiều tuyến phố ở Pleiku đang được sửa chữa, cải tạo. Ảnh: Duy Lê

Vỉa hè của nhiều tuyến phố ở Pleiku đang được sửa chữa, cải tạo. Ảnh: Duy Lê

Đến nay, TP. Pleiku đã huy động được hàng trăm tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo vỉa hè bằng vật liệu đá bazan, gạch terrazzo đảm bảo chất lượng và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai trồng hàng chục ngàn cây xanh trên các vỉa hè mới sửa chữa, mở rộng bồn hoa, thảm cỏ xanh trên dải phân cách giữa...

Nhiều con đường nay có bộ mặt hoàn toàn mới, khang trang, sạch đẹp như: Hai Bà Trưng, Trần Phú, Wừu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục thi công một số tuyến đường như: Trần Khánh Dư, Cù Chính Lan, Hoàng Văn Thụ...

Là người dân Pleiku, ai cũng thấy rằng, chủ trương xã hội hóa sửa chữa, cải tạo vỉa hè của Đảng bộ và UBND TP. Pleiku là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với mục tiêu xây dựng Pleiku trở thành đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Tuy nhiên, trong chỉ đạo triển khai cần sự công bằng và hợp lý. Nhiều vỉa hè được Nhà nước đầu tư hoàn toàn (chẳng hạn đường Hai Bà Trưng, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ...) trong khi ở những nơi khác lại huy động sự đóng góp của dân.

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành thực hiện xã hội hóa hạ tầng kỹ thuật không chỉ theo phương thức ‘‘Nhà nước và Nhân dân cùng làm’’ mà “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” ở những nơi người dân có điều kiện phát triển kinh tế. Thiết nghĩ, chúng ta cần nghiên cứu việc làm này trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm