Bộ VHTTDL phát động kích cầu du lịch lần 2 là một cách làm đúng đắn. Ngành du lịch tỉnh Đắk Lắk đừng nên triển khai theo ''phong trào'', làm cho có, rồi tiếp tục để ''thời cơ'' trôi qua một cách đáng tiếc.
Đắk Lắk vẫn đang là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: NGÔ MINH PHƯƠNG |
Ngày 9.11, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk tổ chức buổi Lễ phát động Chương trình kích cầu du lịch lần 2 với chủ đề “Du lịch Đắk Lắk - Điểm đến an toàn, hấp dẫn, đậm đà bản sắc Tây Nguyên".
Chương trình lần này có sự tham gia của hơn 40 đơn vị lữ hành, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển du lịch và kinh doanh quà lưu niệm, các mặt hàng nông, lâm nghiệp và thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh. Đắk Lắk còn giảm vé tham quan giảm từ 20% – 100%; dịch vụ nhà hàng, ăn uống giảm từ 5% – 10%; phòng ngủ giảm từ 5%-50%; Lữ hành giảm từ 5% -25%; dịch vụ vận chuyển du lịch giảm từ 7% – 25%; quà lưu niệm và sản phẩm nông nghiệp giảm từ 5% – 50%…
Các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Gia Lai sẽ có buổi giới thiệu các gói sản phẩm của chương trình kích cầu du lịch của mỗi địa phương.
Những năm vừa qua, chính quyền tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa thể khai thác được tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương. Ảnh: NGÔ MINH PHƯƠNG. |
Một số lượng doanh nghiệp hùng hậu tham gia. Hàng loạt chương trình ưu đãi hấp dẫn được giới thiệu với doanh nghiệp lẫn du khách. Thực tế, ngành du lịch Đắk Lắk chỉ đang tận dụng tối đa tiềm lực hiện hữu để triển khai đợt kích cầu sắp đến.
Tất nhiên, với những mức ưu đãi hấp dẫn kể trên thì lượt khách đổ về tham quan nghỉ dưỡng ở địa phương này trong thời gian đến sẽ tăng đáng kể.
Nhưng xét trên tình hình hiện nay, cũng sẽ chẳng có nhiều du khách đến địa phương này rồi rời đi kèm theo lời hứa hẹn: ''Sẽ mang theo người thân, bạn bè quay trở lại...".
Những điều du khách trong và ngoài nước cần khi đến với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đó là có được cảm giác trải nghiệm mới lạ, có sức hút mang đậm bản sắc vùng miền và các dịch vụ du lịch đi kèm chất lượng, ''đáng đồng tiền bát gạo''. Bởi, họ đã dành dụm tiền, sắp xếp công việc, bố trí thời gian chỉ để có một chuyến đi đáng nhớ.
Ngành du lịch Đắk Lắk vẫn chưa làm được điều kể trên. Tất cả chương trình kích cầu, hô hào, kêu gọi cũng chỉ mới dừng ở mức hình thức, chưa đi vào thực chất. Vẫn chỉ là các điểm đến quá đỗi quen thuộc ở TP.Buôn Ma Thuột, Lắk, Buôn Đôn... còn chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch thì thiếu điểm nhấn, chưa tạo được bản sắc, thậm chí lạc hậu. Đó là chưa kể đến những rào cản và doanh nghiệp du lịch gặp phải trong cơ chế quản lý du lịch với đặc thù riêng của tỉnh.
Việc giảm giá vé tham quan cũng như chi phí ăn ở, đi lại, quà lưu niệm và mời tỉnh bạn tham dự, chung tay "cổ động'' thì địa phương nào cũng làm được, chẳng có gì đáng bàn. Ngành du lịch Đắk Lắk nên tận dụng lợi thế của đợt kích cầu du lịch lần 2 (sau dịch COVID-19) này như thế nào mới là điều quan trọng.
Nhiều khu vực ở tỉnh Đắk Lắk vẫn đang giữ gìn, bảo tồn tốt nét văn hóa truyền thống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số bản địa. Ảnh: NGÔ MINH PHƯƠNG |
Đắk Lắk vẫn luôn là là một điểm đến an toàn thân thiện, người dân hiếu khách. Rất nhiều khu vực đang lưu giữ, bảo tồn gần như nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của cư dân bản địa sinh sống qua bao thế hệ ở đại ngàn Tây Nguyên.
Địa phương cũng không thiếu thắng cảnh đẹp, danh lam nổi tiếng nhưng chỉ "ngặt một nỗi" chưa có đủ người làm quản lý du lịch có trình độ, tâm huyết, dốc hết lòng với công việc được giao.
Theo Bảo Trung (LĐO)