Phòng-chống cháy rừng trên địa bàn Gia Lai: "Nước xa không cứu được lửa gần"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Gia Lai đang bước vào mùa nắng nóng, khô hanh nên rất dễ xảy ra cháy rừng. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, ngay từ đầu mùa khô 2019-2020, các ngành, địa phương, chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều giải pháp tích cực nhằm tránh rơi vào tình thế “nước xa không cứu được lửa gần”.
Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng  
Thời điểm này, tại các huyện phía Tây của tỉnh gồm: Chư Pah, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông đã chuyển sang mùa khô, nguy cơ cháy rừng rất lớn. Ông Nguyễn Tất Thành-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ-cho biết: Lâm phần của Ban Quản lý nằm trên địa phận của 19 xã, phường, thị trấn thuộc TP. Pleiku, huyện Ia Grai, Chư Pah và Đak Đoa. Rừng nằm xen kẽ với rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số, gần khu dân cư. Tất cả các khu vực rừng đều có hệ thống đường mòn đi vào, là điều kiện để người dân vào rừng sản xuất, lấy đót, chăn thả gia súc, thu hái lâm sản phụ… nên có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. “Vào mùa khô, toàn bộ diện tích rừng trồng thông ba lá của đơn vị đều nằm trong vùng trọng điểm cháy”-ông Thành cho hay.
 Các lực lượng dân quân, ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng tham gia diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: L.N
Các lực lượng dân quân, ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng tham gia diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: L.N
Huyện Chư Pah cũng được xác định là một trong những địa phương có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao trong mùa khô này. Ông Bùi Quang Thịnh-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-thông tin: “Qua khảo sát cho thấy, tổng diện tích trọng điểm cháy rừng của huyện là 8.951 ha; trong đó, diện tích rất dễ cháy là 6.673 ha và diện tích dễ cháy là 2.277 ha. Trong khi đó, diện tích rừng của huyện không tập trung, địa hình đồi núi cao, dốc hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên khi xảy ra cháy rất khó dập tắt. Ngoài ra, mùa khô kéo dài làm thực bì, vật liệu cháy khô hanh nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy rừng”. Cũng theo ông Thịnh, dân cư trên địa bàn huyện phần lớn sống bằng nghề sản xuất nông-lâm nghiệp. Người dân nhiều xã như: Hà Tây, Ia Kreng, Chư Đang Ya, Đak Tơ Ve sống gần rừng, còn xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy, săn bắt, thu hái sản phẩm từ rừng…  nên đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy rừng.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh có hơn 596 ngàn ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên hơn 543 ngàn ha, rừng trồng hơn 53 ngàn ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, mùa khô 2019-2020 ở Tây Nguyên đến sớm và nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Riêng trên địa bàn tỉnh ta, nguy cơ cao xảy ra cháy rừng từ tháng 12-2019 đến tháng 3-2020. Ngoài thời tiết khô hanh, nắng nóng, người dân đi chăn thả gia súc tiện tay vứt thuốc lá đang hút, nấu ăn trong quá trình đi làm rẫy nhưng sử dụng lửa thiếu an toàn, phát đốt nương rẫy gần rừng, săn bắt thú rừng... cũng là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. 
Chủ động phòng-chống cháy rừng

Mùa khô 2018-2019, toàn tỉnh Gia Lai xảy ra 8 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại hơn 91,3 ha. Trong đó, cháy lướt thảm thực bì 33,1 ha, cháy diện tích rừng trồng dặm 0,5 ha, cháy rừng trồng chưa nghiệm thu thành rừng 25,2 ha, cháy cây keo, bời lời của người dân 32,5 ha.


Để chủ động PCCCR, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, các ngành, địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngay từ đầu mùa khô 2019-2020. Theo ông Nguyễn Tất Thành, ngay từ đầu mùa khô, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR và ban hành quy chế hoạt động. Đồng thời, đơn vị phối hợp với các xã tổ chức được 8 đợt tuyên truyền với hơn 800 lượt người tham gia để vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng lửa khi làm nương rẫy, cam kết sử dụng lửa an toàn. Đơn vị cũng đã tiến hành cắm các biển cấm chặt, đốt, phá rừng tại các điểm ra vào rừng và ghi số điện thoại đường dây nóng để người dân báo tin khi xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, từ đầu tháng 12, đơn vị đã tổ chức đốt trước có điều khiển tại các khu vực rừng trồng trên địa bàn TP. Pleiku, khu vực huyện Chư Pah và Ia Grai nhằm giảm vật liệu cháy trong mùa khô.
Tương tự, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah cũng đã triển khai công tác tuyên truyền, làm đường ranh cản lửa và đốt trước có điều khiển. Ông Nguyễn Văn Thành-Phó Trưởng ban-cho biết: Đơn vị đã tổ chức được 20 đợt tuyên truyền PCCCR cho người dân sống gần rừng với hơn 800 lượt người tham gia; làm 12 km đường ranh cản lửa tại các khu vực trọng điểm cháy và đang triển khai đốt trước có điều khiển để giảm vật liệu cháy…
Còn ông Phan Thanh Hải-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc An Khê-cho biết: Đơn vị đã thành lập 5 tổ chữa cháy rừng với hơn 100 người sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng. Diện tích rừng đơn vị quản lý hầu hết là rừng le xen gỗ và rừng thông nên thảm thực bì dày, rất dễ cháy. Do đó, đơn vị xác định những khu vực trọng điểm, nguy cơ cháy rừng cao như khu vực đèo Mang Yang (xã Hà Tam), xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ) và khu vực giáp xã Tơ Tung (huyện Kbang) để tiến hành đốt trước có điều khiển với chiều dài khoảng 7 km.    
Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Ngay từ đầu mùa khô, Chi cục Kiểm lâm-cơ quan thường trực PCCCR của tỉnh-đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCCR, củng cố Ban Chỉ huy PCCCR, xây dựng phương án PCCCR. Chi cục cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) kiểm tra, đôn đốc các địa phương và đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR mùa khô 2019-2020; bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ trong những tháng mùa khô. “Đặc biệt, vừa qua, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR huyện Ia Grai và các đơn vị liên quan tổ chức diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2019. Đợt diễn tập nhằm nâng cao năng lực chỉ huy cho Ban Chỉ huy PCCCR các cấp, các đơn vị chủ rừng và củng cố kỹ năng, chiến thuật chủ động chữa cháy rừng khi xảy ra; nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân sống gần rừng trong công tác PCCCR. Việc phát hiện sớm nguồn lửa trong rừng và tổ chức chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” có hiệu quả là công việc rất quan trọng trong công tác PCCCR”-ông Nam chia sẻ.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm