Kinh tế

Tài chính

Thủ tướng phát biểu khai mạc ở WEF Đông Á 2013

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Myanmar Thein Sein và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, ngày 6-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2013 (WEF Đông Á 2013) tổ chức tại Thủ đô Naypyidaw của Myanmar.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên khai mạc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Phiên khai mạc.

Với chủ đề “Sự chuyển đổi mạnh mẽ hướng tới hội nhập và phát triển toàn diện”, Diễn đàn đã thu hút sự tham dự của trên 900 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực như Tổng thống Myanmar, Thủ tướng Lào, Giám đốc điều hành Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Phó Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)...

Hội nghị WEF Đông Á 2013 đã đặt trọng tâm thảo luận vào thúc đẩy sự chuyển đổi toàn diện của Myanmar, tiến trình hội nhập khu vực và các biện pháp ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Đây là một lựa chọn phù hợp và rất đúng thời điểm, vì các thảo luận, ý tưởng hình thành tại Hội nghị sẽ góp phần giúp mỗi quốc gia và khu vực cùng vượt qua khó khăn thách thức hiện nay của kinh tế thế giới, đạt được mục tiêu chung đã đề ra, đặc biệt là trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc Hội nghị lần này đặt trọng tâm vào hội nhập khu vực và chuyển đổi là một lựa chọn phù hợp và rất đúng thời điểm. Đó là do sự gắn kết chặt chẽ giữa hai quá trình này và sự cấp thiết phải có những bước đi mạnh mẽ để giúp mỗi quốc gia và cả khu vực vượt qua khó khăn thách thức, đạt được mục tiêu chung đã đề ra, đặc biệt trước ngưỡng cửa hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, khu vực Đông Á đang phát triển năng động, là nơi tập trung những nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhiều nền kinh tế mới nổi với xu thế chủ đạo là hợp tác liên kết đa tầng nấc, đa lĩnh vực, cùng phát triển, cùng có lợi. Đó là cơ hội lớn nhưng cũng đòi hỏi các quốc gia phải nỗ lực đổi mới, tự hoàn thiện và thích ứng với môi trường hội nhập, cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Nhìn lại quá trình hơn hai thập kỷ qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng chính sự chủ động hội nhập và chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường với sự năng động sáng tạo, tinh thần doanh nghiệp và khả năng điều chỉnh chính sách kịp thời đã giúp Việt Nam vượt qua nhiều khó khăn thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, cạnh tranh, nơi mà tất cả các thành phần kinh tế đều có thể phát huy được tốt nhất khả năng của mình, đồng thời luôn chủ động, tích cực đưa nền kinh tế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong thời đại toàn cầu hoá, cùng với các nỗ lực ở cấp độ quốc gia, điều kiện đủ để các nước đang phát triển như Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và trở thành một nước công nghiệp hiện đại là: môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và hợp tác trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; tự do lưu thông thương mại và đầu tư thông qua liên kết kinh tế; hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và thế giới. Vì vậy, tiến trình hội nhập quốc tế đang được thúc đẩy mạnh mẽ tại Đông Á nói chung và ASEAN nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đến một phần không thể thiếu của quá trình này đó là nỗ lực tăng cường kết nối và liên kết kinh tế giữa các nước lục địa ASEAN hay khu vực Mekong, trong đó có việc hình thành các hành lang kinh tế xuyên quốc gia. Từ năm 1998, với sự hỗ trợ của ADB, các nước trong khu vực đã triển khai xây dựng một loạt các tuyến hành lang kinh tế với mục tiêu thúc đẩy giao lưu thương mại giữa các quốc gia, tăng tính cạnh tranh của khu vực, phát triển hạ tầng cơ sở và tạo cơ hội phát triển kinh tế, xã hội cho các vùng sâu, vùng xa. Các tuyến hành lang này cũng sẽ là cầu nối gắn kết giữa khu vực Nam Á, Trung Á với Đông Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây là yếu tố quan trọng mà bất cứ doanh nghiệp nào có tham vọng mở rộng thị trường không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, để tuyến hành lang đáp ứng mong đợi của các nước và thực sự trở thành hành lang kinh tế thịnh vượng, bên cạnh cố gắng của chính phủ các nước thì sự ủng hộ của các đối tác phát triển và tham gia của khu vực tư nhân là không thể thiếu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương dọc tuyến hành lang vì lợi ích của doanh nghiệp, của cộng đồng và của cả khu vực.

Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẵn sàng đối thoại cùng doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện và tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bảo đảm lợi ích của tất cả các bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các quốc gia dọc hành lang và các đối tác phát triển tăng cường hơn nữa sự hợp tác nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và thúc đẩy sự phát triển của hành lang; tin tưởng Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á lần này sẽ đưa ra nhiều ý tưởng, tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững và đều khắp của khu vực.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm