Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình-Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh là gương mặt quen thuộc với nhiều ĐVTN. Tiến sĩ Bình có hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn nghề nghiệp và sở hữu nhiều công ty, trong đó có lĩnh vực công nghệ. Để các bạn trẻ trên địa bàn tỉnh có thêm kiến thức khởi nghiệp, mới đây, Tỉnh Đoàn đã mời Tiến sĩ Bình báo cáo chuyên đề về khởi nghiệp với sự tham gia của hơn 100 ĐVTN.
Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình tập huấn kiến thức khởi nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh. Ảnh: M.N |
Tại chương trình, ĐVTN được Tiến sĩ Bình truyền cảm hứng và chia sẻ bí quyết khởi nghiệp; giới thiệu những quyển sách nên đọc khi khởi nghiệp, dẫn chứng người trẻ khởi nghiệp thành công. Với kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP. Hồ Chí Minh khiến người nghe thích thú bởi cách truyền đạt gần gũi, thực tế, giúp bạn trẻ có thêm góc nhìn đa chiều về khởi nghiệp. Theo anh, ý tưởng khởi nghiệp phải thực tế, có sự khác biệt, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khi khởi nghiệp phải nghiên cứu thị trường phù hợp với tâm lý, vùng miền, tính cách, thói quen; cách nhận diện thương hiệu và xây dựng chiến lược kinh doanh. Khởi nghiệp phải gắn liền với công nghệ, lập kế hoạch marketing rõ ràng. “Khởi nghiệp là vấn đề không dễ dàng và không phải ai cũng làm được. Không phải tất cả mọi người đều khởi nghiệp nhưng ai cũng phải hiểu về khởi nghiệp. Khi khởi nghiệp, bạn phải xác định rõ những thứ mà bản thân phải đối mặt và sẵn sàng để đương đầu”-Tiến sĩ Bình chia sẻ.
Ấp ủ dự định khởi nghiệp với hệ thống cửa hàng cung cấp rau củ quả an toàn, anh Đoàn Xuân Thạnh (thôn 3, xã Trà Đa, TP. Pleiku) vui mừng khi được tham gia chương trình tập huấn khởi nghiệp do Tỉnh Đoàn tổ chức. “Khi tham gia tập huấn, tôi nhận được nhiều lời góp ý của Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình. Ý định kinh doanh của tôi không mới, nhưng để tạo ra sự khác biệt thì phải có hướng đi riêng mới cạnh tranh được trên thị trường. Tiến sĩ Bình đã hướng dẫn tận tình để tôi hoàn thiện hồ sơ dự án tham gia vòng sơ khảo Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Gia Lai lần thứ VII-2023”-anh Thạnh tâm sự.
Thời gian qua, Thành Đoàn Pleiku có nhiều hình thức trang bị kiến thức khởi nghiệp cho ĐVTN. Cách làm của Thành Đoàn Pleiku là truyền cảm hứng từ những tấm gương khởi nghiệp thành công. Trong năm 2023, Thành Đoàn đã tổ chức cho ĐVTN tham quan mô hình Moons Coffee Farm của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy (phường Chi Lăng, TP. Pleiku). Tại đây, 50 ĐVTN đã được chị Thủy chia sẻ về mô hình nông trại canh tác-sản xuất cà phê theo hướng bền vững kết hợp du lịch nông nghiệp và cộng đồng.
Với mô hình này, chị Thủy tập trung sản xuất cà phê sạch, chỉ thu hái quả chín và áp dụng kỹ thuật chế biến riêng. Chị Thủy cũng triển khai dịch vụ lưu trú, trải nghiệm làm nông nghiệp cho du khách tại nông trại. Ngoài chia sẻ về quá trình khởi nghiệp của bản thân, chị Thủy còn trao đổi với ĐVTN về cách nhận diện thương hiệu và xây dựng chiến lược kinh doanh. “Theo tôi, người trẻ muốn khởi nghiệp cần chuẩn bị cho mình hành trang vững chắc. Trong đó, phải có phương pháp, kế hoạch, chấp nhận thử thách, liên tục tìm giải pháp và xử lý vấn đề phát sinh. Nếu chỉ có ý tưởng chung chung mà không có những kế hoạch chi tiết, đi sâu tìm hiểu thì khó có thể triển khai hiệu quả”-chị Thủy nói.
Đoàn viên, thanh niên trao đổi, tìm hiểu nông trại của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy. Ảnh M.N |
Theo anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku: Thành Đoàn triển khai nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên khởi nghiệp như: tạo không gian để trưng bày sản phẩm OCOP do thanh niên làm chủ; gặp gỡ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tiêu biểu; Farm To Cup-hành trình khởi nghiệp từ cà phê; tập huấn kiến thức về tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là thương mại điện tử cho thanh niên. Các tổ chức Đoàn trên địa bàn thành phố tổ chức các chuyến tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ những mô hình khởi nghiệp thành công.
Đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp là 1 trong 3 chương trình lớn của Đoàn. Bằng nhiều biện pháp khác nhau, tổ chức Đoàn-Hội các cấp đã trang bị cho ĐVTN nhiều kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp. Cụ thể, tổ chức Đoàn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức diễn đàn đối thoại để thanh niên có cơ hội gặp gỡ, bày tỏ nguyện vọng về chính sách khởi nghiệp. Nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng lập dự án kinh doanh; kỹ năng quản trị, điều hành, khởi nghiệp do các chuyên gia, diễn giả và doanh nhân trẻ truyền đạt, chia sẻ được Tỉnh Đoàn và các đơn vị phối hợp tổ chức thu hút đông đảo ĐVTN tham gia. Bên cạnh định hướng khởi nghiệp, hàng năm, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh còn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu của thanh niên để tổ chức các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay để hiện thực hóa ý tưởng, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Gia Lai được tổ chức hàng năm giúp các tác giả, nhóm tác giả cụ thể hóa ý tưởng, lập dự án chi tiết và nhận được sự hỗ trợ về kiến thức, kinh phí để biến dự án thành hiện thực.
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh-cho biết: Khi bắt đầu khởi nghiệp, thanh niên sẽ gặp một số thách thức như: chưa định hình hoặc thể hiện được từ ý tưởng thành kế hoạch cụ thể để xây dựng dự án, thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp, khó khăn về tài chính và việc tiếp cận nguồn vốn, chiến lược kinh doanh chưa rõ ràng. Các bạn trẻ nghiêm túc với khởi nghiệp đều mong muốn được lắng nghe những hướng dẫn, định hướng, kể cả những “bài học xương máu” của các chuyên gia hay người đi trước.
“Một buổi chia sẻ kinh nghiệm hay tập huấn khởi nghiệp không thể giúp các bạn thành công ngay. Tuy nhiên, những kiến thức, kỹ năng tiếp thu được từ các buổi tập huấn, bồi dưỡng chính là bước đệm để các bạn trẻ tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp. Tổ chức Đoàn-Hội các cấp sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, chia sẻ, đồng hành cùng các ĐVTN trong khởi nghiệp”-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn nhấn mạnh.