Không ôm đồm những nhiệm vụ bên lề
Ngọc Linh cho biết, cô thường trả lời "không" trước những nhiệm vụ, công việc không trực thuộc chuyên môn của phòng mình. "Nếu cần, mình có thể đóng góp, góp ý chứ không phụ trách hay đảm nhiệm chính. Việc từ chối là cách để bản thân không ôm đồm công việc, làm giảm áp lực trách nhiệm không cần thiết", Linh nói.
Theo Linh, sẵn sàng nói "không" trước những nhiệm vụ không thuộc trách nhiệm của mình cũng là cách để cấp trên đánh giá mình là người làm việc có chọn lọc, sáng suốt. Linh cho biết: "Mình mạnh dạn từ chối nhưng không bị mất lòng sếp hay đồng nghiệp. Sếp của mình cũng cảm thấy bình thường bởi trong công việc chính, bản thân mình luôn hoàn thiện đầy đủ và trách nhiệm".
Cô bạn cho rằng, đây cũng là một trong những đặc trưng khi nói về phong cách làm việc của gen Z. "Không phải lúc nào cũng đồng ý hỗ trợ trong mọi tình huống hay bảo gì làm nấy. Gen Z có chính kiến và cá tính, sẵn sàng từ chối thẳng thắn hơn so với thế hệ trước", Linh cảm nhận.
Ngọc Linh làm việc ở Trung tâm Toán học Mathtech. |
Với bạn Trần Thanh Huyền (ở Sóc Sơn, Hà Nội), những nhiệm vụ không nằm trong phạm vi chuyên môn, Huyền đều thẳng thắn từ chối. Nếu có thời gian rảnh và trong phạm vi có thể hỗ trợ được, Huyền sẽ xem xét đến việc sẽ được gì, và mất gì.
Huyền cho biết, cô không sợ bị đánh giá là thiếu năng động hay không nhiệt tình nơi công sở. "Bởi việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính của mình sẽ là cách ghi điểm với cấp trên, thay vì mất thời gian cho những chuyện "rót nước pha trà" hay làm "chân sai vặt" cho đồng nghiệp", Huyền bày tỏ quan điểm.
Còn nếu trong tình huống cần nhân sự tăng ca hỗ trợ những phần việc bên ngoài phòng ban, Huyền sẽ sẵn sàng hỗ trợ nếu được chi trả thêm công giờ làm. "Công ty tuyển dụng với yêu cầu công việc cụ thể, rõ ràng thì tại sao nhân sự phải nhận thêm những công việc ngoài lề làm ảnh hưởng đến công việc chính. Trong khi cuối năm, công ty chỉ dựa trên hiệu quả công việc chính để đánh giá", nhân sự trẻ nói.
Chị Đinh Hà My - Nguyên Giám đốc nhân sự của Enuy Corp. |
Nghệ thuật từ chối thế nào?
Chị Đinh Hà My - Nguyên Giám đốc nhân sự của Enuy Corp đã phân tích, lý giải về sự khác biệt và cá tính của nhân viên gen Z thời hiện đại.
"Tại sao thế hệ trước, nhiều người thường nói “có” và đôi khi cả nể trước một nhiệm vụ ngoài lề. Tôi cho rằng, họ đã được điều kiện hóa để phản ứng tích cực hơn với sự chấp thuận của người khác. Việc đồng ý với yêu cầu và làm hài lòng mọi người có thể giúp tránh xung đột. Sự mong muốn tránh căng thẳng xã hội khiến chúng ta cảm thấy cần phải nói “có”, đặc biệt là với những người có ảnh hưởng đến lợi ích của chúng ta", chị My phân tích.
Với gen Z lại khác, các bạn nói “không" và không sợ bị giảm giá trị trong mắt những người lãnh đạo và đồng nghiệp. Nói "không" đôi khi là sự lựa chọn thông minh hơn, giúp chính các bạn bảo vệ sức khỏe và thời gian riêng tư, đồng thời thể hiện sự chuyên nghiệp và tự chủ trong việc quản lý các nhiệm vụ, trách nhiệm công việc. Bởi nếu nói "có" vào một lúc rảnh rang đôi khi chỉ tốn 5 phút... nhưng vào một thời điểm bạn đang bận rộn, chắc chắn sự tập trung của bạn với công việc chính sẽ bị ảnh hưởng.
Gen Z mê đồ cổ, trở thành nghệ nhân dân gian ở tuổi 23
Nữ sinh viên xinh đẹp, giỏi võ
Cô gái với nhiều mô hình trong công tác xã hội
Vì vậy, chị Hà My gợi ý các bước để nhân sự trẻ biết cách nói "không" một cách khéo léo khi cần thiết: Mỉm cười và chân thành cảm ơn khi được tin tưởng - giữ ngữ điệu lịch sự, chuyên nghiệp - giải thích rõ ràng - đề xuất phương án thay thế.
Đối với nhiệm vụ không thuộc phạm vi công việc nhưng vẫn góp phần vào mục tiêu chung của doanh nghiệp, công ty và gián tiếp tạo ra giá trị, cơ hội cho bản thân, chị My khuyên bạn trẻ hãy cân nhắc trước khi nói "không".
Và muốn tạo động lực cho nhân viên luôn sẵn sàng nói "có", theo chị My, nhà quản lý, lãnh đạo cũng cần phân tích và chỉ rõ cho nhân sự trẻ thấy lộ trình phát triển của các bạn như thế nào, trải nghiệm ở nhiệm vụ ngoài lề nào thì sẽ đem lại giá trị.