Sống trẻ - Sống đẹp

Rơ Châm Siu Đình Lâm: Chàng trai Jrai nặng lòng với đan lát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở tuổi 17, em Rơ Châm Siu Đình Lâm (SN 2007, trú làng C, xã Gào, TP. Pleiku) đã thành thạo đan lát các dụng cụ truyền thống của dân tộc mình, góp phần lưu giữ nét đẹp truyền thống của cha ông.
Ở tuổi 17, em Rơ Châm Siu Đình Lâm đã thành thạo đan lát các dụng cụ truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: R.H
Ở tuổi 17, em Rơ Châm Siu Đình Lâm đã thành thạo đan lát các dụng cụ truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: R.H

Khi chúng tôi đến thăm, em Rơ Châm Siu Đình Lâm đang tỉ mẩn hoàn thiện từng đường nét trên chiếc gùi mới đan. Hỏi chuyện, Lâm kể: Hồi nhỏ, em thường theo ông ngoại và người già trong làng đi chăn bò ngoài rừng, rẫy xa. Tranh thủ thời gian bò ăn cỏ, em theo người già chặt tre, lồ ô để đan lát các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Được người già tận tình chỉ dạy, chẳng mấy chốc em nắm vững và thành thạo kỹ năng và tự đan cho mình những vật dụng. Đến nay, em đã đan lát được một số sản phẩm truyền thống, như: gùi, nia, thúng, đơm bắt cá được đan bằng tre, lồ ô.

Cũng theo em Lâm chia sẻ, người Jrai có 2 loại gùi, gồm: loại nan khít gọi là hkah, còn loại nan thưa gọi là ro. Trong đó, ro thì dùng để gùi nước, gùi củi; còn hkah chủ yếu gùi lúa, gạo, bắp. Tùy theo mục đích, kích thước thời gian trung bình làm một chiếc gùi là 3-4 ngày. Tuy nhiên, để có được một sản phẩm bền chặt và đẹp, sau khi chẻ, chuốt các sợi nan của cây tre, lồ ô phù hợp phải phơi nắng (khoảng 1 ngày) nhằm đảm bảo độ đàn hồi, dẻo dai tạo thuận lợi trong quá trình đan. Tiếp đó, sẽ hoàn thiện các phần còn lại như đế gùi, phần quai gùi.

Đối với chiếc gùi, thời gian gần đây, em còn kết hợp đan thêm các dây nhựa nhiều màu cùng kích thước để đan xen kẽ với nan tre để tạo hoa văn, đường viền sinh động, đẹp mắt. Với cách làm này, các sản phẩm của em làm ra được dân làng đón nhận, mua về sử dụng. Mỗi chiếc gùi tùy theo kích thước, kiểu cách có giá bán 250.000-400.000 đồng.

“Năm 14 tuổi em biết đan lát. Thời gian đầu, do chưa nắm vững các thao tác cơ bản nên em gặp rất nhiều khó khăn, em chỉ tập đan những vật dụng nhỏ theo ý thích của mình. Khi đôi tay ngày càng thành thục, em đan gùi, nia, thúng cho gia đình và tặng cho họ hàng, làng xóm. Tuy không đẹp nhưng khi ấy em vui lắm. Theo năm tháng, thấy mọi người đánh giá được, em bắt đầu đan và bán để kiếm thêm thu nhập. Từ khi biết đan lát đến nay, em đã bán 28 sản phẩm (gùi, nia, thúng) và tặng cho họ hàng, làng xóm 18 cái gùi. Thời gian tới, cùng với duy trì nghề đan lát, em sẽ học thêm tạc tượng gỗ dân gian để bảo tồn văn hóa của dân tộc mình”-em Lâm bày tỏ.

Ông Siu Lai (bố của Lâm, bìa trái) tự hào khi con của mình lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc. Ảnh: R.H

Ông Siu Lai (bố của Lâm, bìa trái) tự hào khi con của mình lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc. Ảnh: R.H

Ông Siu Lai (bố của Lâm) bộc bạch: “Từ nhỏ, Lâm đã sớm được người già truyền dạy cách đan lát. Gần đây, ngoài học từ người lớn tuổi, Lâm cũng hay xem cách đan lát trên mạng internet để học hỏi thêm nên kỹ năng đan lát mới. Thú thật bản thân tôi không biết đan lát nên rất mừng khi Lâm lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình”.

Còn bà Rơ Châm Yet (cùng làng C) thì chia sẻ: “Ở trong làng có nhiều người già biết đan lát. Còn cháu Lâm, tuy nhỏ tuổi nhưng đã biết đan lát các vật dụng hữu ích phục vụ cuộc sống rồi. Sản phẩm của cháu làm ngày càng bền, đẹp nên bà con trong làng đặt mua”.

Trao đổi với P.V, ông Siu Khek-Trưởng thôn C cho biết: "Ngoài biết đan lát, Lâm còn là thành viên của Đội cồng chiêng thanh-thiếu niên của làng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động các cháu nhỏ trong làng học hỏi theo Lâm về đan lát để duy trì phong tục tập quán của dân tộc mình".

Clip: Rơ Châm Siu Đình Lâm, chàng trai Jrai nặng lòng với đan lát. Thực hiện: R.H

Có thể bạn quan tâm