Văn hóa

Nỗ lực đổi mới cho các sản phẩm đan lát truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với tạc tượng, dệt thổ cẩm thì trình diễn và trưng bày các sản phẩm đan lát truyền thống cũng là hoạt động thu hút sự quan tâm của du khách trong khuôn khổ Festival Văn hóa cồng chiêng tỉnh năm 2023. Điểm nổi bật là cùng với các sản phẩm quen thuộc như gùi, rổ, nong, nia, các nghệ nhân đã tìm cách đổi mới kỹ thuật, nâng cấp các sản phẩm đan lát, có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Vợ chồng ông Hmễ và bà Prớp (làng Bok Ayol, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) tỉ mỉ chuốt từng nan tre nhỏ xíu để làm ra những chiếc túi xách thời trang. Ảnh: Phương Vi

Vợ chồng ông Hmễ và bà Prớp (làng Bok Ayol, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) tỉ mỉ chuốt từng nan tre nhỏ xíu để làm ra những chiếc túi xách thời trang. Ảnh: Phương Vi

Dưới tán cây xanh mát trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, vợ chồng ông Hmễ và bà Prớp (làng Bok Ayơl, xã Hà Ra, huyện Mang Yang) tỉ mỉ chuốt từng nan tre nhỏ xíu. Trước mặt ông Hmễ là những bó sợi tre mảnh đã được nhuộm màu và 2 chiếc khuôn gỗ để làm túi xách thời trang. Trên giàn, 3 chiếc túi xách có kích thước khoảng 20x7x15cm được trưng bày, khẽ đung đưa trong gió. Thoạt nhìn, không nhiều người nhận ra đó là một sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công bằng tre bởi từ màu sắc đến đường nét, kiểu dáng của túi rất hiện đại, trẻ trung, đẹp mắt. Chiếc quai cầm đan bằng sợi mây khéo léo, tạo nét điệu đà cho chiếc túi.

Bằng kỹ thuật điêu luyện, những chiếc túi xách tre đan cũng mang vẻ đẹp hiện đại, nữ tính. Ảnh: Phương Vi

Bằng kỹ thuật điêu luyện, những chiếc túi xách tre đan cũng mang vẻ đẹp hiện đại, nữ tính. Ảnh: Phương Vi

Ông Hmễ chia sẻ: “Những chiếc túi này đều là do tôi tự đan. Vợ tôi thì phụ vuốt nan tre và may lót bên trong để có thể đựng được các vật dụng”. Theo ông Hmễ, so với đan gùi truyền thống thì để làm ra một chiếc túi như vậy mất nhiều thời gian hơn vì đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác cao hơn. Nhất là những góc cạnh cần phải bo tròn cho thật đều đặn, cân đối. Cũng bởi sự tỉ mỉ, kỳ công, mà mỗi chiếc túi được bán ra với giá thành khá cao, từ 700.000-800.000 đồng/chiếc. “Từ trước đến nay mình làm được hơn 30 chiếc túi như thế này rồi, cũng đã bán được vài cái. Hy vọng là sắp tới sẽ có nhiều người biết đến hơn và ủng hộ mình”-ông Hmễ vui vẻ nói.

Những chiếc túi xách được phối màu tinh tế, đẹp mắt, hợp thời trang. Ảnh: Phương Vi

Những chiếc túi xách được phối màu tinh tế, đẹp mắt, hợp thời trang. Ảnh: Phương Vi

Vừa cặm cụi để nhanh chóng hoàn thành chiếc nón lá ở gian trưng bày kế bên, anh Si (làng Đê Kjiêng, xã Ayun, huyện Mang Yang) tâm sự: Từ năm 14 tuổi, mình đã theo người già trong làng học đan lát. Lúc đấy là tự mình chủ động xin các già dạy cho. Nhưng ngày xưa mọi người chỉ đan gùi, nong, nia, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Nếu muốn sống được với nghề đan lát, mình phải làm nhiều sản phẩm mới hơn, phù hợp hơn với thực tế”.

Anh Si tỉ mỉ hoàn thiện cho một chiếc nón bằng tre. Ảnh: Phương Vi

Anh Si tỉ mỉ hoàn thiện cho một chiếc nón bằng tre. Ảnh: Phương Vi

Vali, bàn trà, nón, trâm cài tóc… là những sản phẩm mà anh Si đã nỗ lực nâng tầm cho nghề truyền thống của dân tộc. Vẫn là những nan tre thân thuộc chuốt tỉ mỉ, cận thận nhưng khi “chuyển thể” thành chiếc nón hay vali lại mang một giá trị khác hẳn. Anh Si bật mí: “Để làm ra chúng, mình đã mất 2 năm để học từ Youtube về kỹ thuật đan mây tre của Nhật Bản. Cái khó nhất là tạo góc cho sản phẩm bởi nan tre khi khô nếu uốn cong quá sẽ dễ bị gãy gập. Vì thế, mình cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện kỹ thuật. Làm một chiếc vali, cái bàn trà có thể mất đến 2 tháng ròng rã. Chiếc nón thì đơn giản hơn một chút”.

Sự đổi mới trong tư duy giúp thủ công đan lát ngày càng có thêm sức sống, gia tăng giá trị. Ảnh: Phương Vi

Sự đổi mới trong tư duy giúp thủ công đan lát ngày càng có thêm sức sống, gia tăng giá trị. Ảnh: Phương Vi

Với giá bán từ 150.000 đồng cho một chiếc nón tre vừa đẹp vừa chắc chắn hay 500.000 đồng/chiếc bàn trà, 1,2 triệu đồng cho cái vali, anh Si cũng như vợ chồng ông Hmễ đang từng ngày nâng cao giá trị cho những sản phẩm thủ công “sinh ra từ làng”. Bên cạnh mục đích kiếm thêm thu nhập, đáng mừng là tất cả những sự đổi mới này đều xuất phát từ trăn trở giữ gìn nghề truyền thống cũng như muốn thế hệ tiếp nối trong làng có thể yêu và giữ nghề, sống được với nghề. Anh Si tâm sự: “Bây giờ trong làng chỉ có mình là đan được những sản phẩm này. Mình cũng đã rủ một vài người cùng tập làm, mình sẽ hướng dẫn miễn phí, sản phẩm làm ra nếu bán có tiền thì sẽ cho họ hết nhưng họ vẫn chưa muốn học. Mình cũng sẽ tiếp tục kêu gọi, người này không được thì nói người khác, làm sao để giữ được nghề truyền thống của dân tộc”.

Cùng với các sản phẩm đan lát truyền thống, những nghệ nhân đang nỗ lực đổi mới, đa dạng sản phẩm, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Ảnh: Phương Vi

Cùng với các sản phẩm đan lát truyền thống, những nghệ nhân đang nỗ lực đổi mới, đa dạng sản phẩm, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Ảnh: Phương Vi

Còn với ông Hmễ, ông đan được túi xách cũng là nhờ học từ một người trong làng. Vì thế, mỗi khi đan lát, chuốt nan, ông đều gọi đứa cháu đến ngồi cùng. Ông hy vọng rằng bằng cách như thế, ông sẽ truyền đạt, bồi đắp dần tình yêu, niềm khao khát muốn gắn bó và phát triển nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.

Có thể bạn quan tâm