(GLO)- Ở thế hệ chúng tôi, ai cũng vui sướng khi được mẹ mua cho tấm áo, đôi dép nhân dịp đặc biệt. Thế nhưng, cách đó một thế hệ, đến thời hiện nay, ít khi tôi thấy sự mừng rỡ của con cái khi nhận quà. Phải chăng vì sống trong sự đủ đầy, tiện nghi, ngày nào cũng ăn ngon, mặc đẹp nên các con không còn hào hứng.
Chuyện là, ngày sinh nhật, tôi đưa con trai đi mua đôi giày. Vào cửa hàng, con chọn ngay đôi giày có màu sắc sặc sỡ với giá đắt nhất. Tôi nói với con: “Đôi giày này đẹp nhưng rất đắt tiền. Nếu con chọn, mẹ vẫn mua được nhưng sẽ bỏ ra khá nhiều tiền, mẹ phải làm việc nhiều hơn, vất vả hơn”.
Với một đứa trẻ lên 4, nói về chuyện tiền bạc với nhiều người có thể là điều không nên hoặc con không hiểu, không nên nói sớm. Những người có mặt trong cửa hàng lúc ấy cũng sẽ nghĩ như vậy khi thấy tôi ngồi xuống ngang tầm mắt với con và giảng giải cho con hiểu về giá trị của đồng tiền. Mấy cô bán hàng cũng có vẻ khó chịu khi tôi nói lấy giùm 1 đôi rẻ hơn để thử cho con trai tôi.
Sau khi thử xong, để 2 đôi giày trước mặt con, tôi để con tự chọn. Mặc dù rất thích đôi bảy sắc cầu vồng của dòng Bitis hunter nhưng con trai tôi nói: “Thôi, con lấy đôi kia cũng được, con thích đôi này hơn nhưng nó mắc tiền quá, mẹ không có đủ tiền hả mẹ?”. Tôi đáp: “Mẹ vẫn đủ tiền mua cho con nhưng mẹ thấy như thế hơi phí”. Cậu chàng “dạ”, rồi xách đôi giày kia đến chỗ tính tiền.
Tôi băn khoăn mãi về chuyện chọn giày cho con cho đến khi cậu nói “Con sẽ ăn thật ngoan và chơi thật giỏi để đến Tết, mẹ mua cho con đôi kia nhé”. Tôi trả lời: “Mẹ sẵn sàng nếu con được thưởng 20 hình mặt cười trong thời gian tới (ở nhà, mỗi lần cậu làm một việc tốt, tôi thưởng cho 1 hình mặt cười và quy đổi thành quà như là đi ăn gà rán, đi chơi trò mạo hiểm...)".
Ảnh minh họa: Internet |
Suốt một thời gian “phấn đấu”, cuối cùng con đã có được đôi giày ưng ý vào dịp Tết vừa rồi. Khi dẫn con đến cửa hàng các cô bán hàng nhận ra ngay. Mua được đôi giày mới, con trai tôi mang đi khoe khắp nơi. Tôi đọc được trong mắt con sự hào hứng, tươi vui khi nhận được món quà từ sự cố gắng của mình và đúng dịp Tết.
Cũng là một món quà nhưng tôi nghĩ mình đã cho con cảm giác đạt được chứ không phải có được; qua đó tôi dạy cho con kỹ năng trì hoãn. Để sau này, mỗi bước đi trong cuộc sống, bài học về đôi giày, về những món quà không phải tự dưng mà có sẽ vẫn đi theo con. Bởi lẽ, cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió và không phải lúc nào con cũng nhận được những món quà. Cuộc sống còn có những bài học mà con phải trải nghiệm mới có được.
TẠ NGỌC ĐIỆP