Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Quà tặng từ văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất, hầu hết sản phẩm đan lát thủ công của các đoàn nghệ nhân đều được tiêu thụ. Nhiều người phải đặt hàng các nghệ nhân và chấp nhận chờ vì không có hàng để mua. Điều này cho thấy sản phẩm đan lát truyền thống có giá trị và sức tiêu thụ cao, đủ khả năng vượt ra khỏi “lũy tre làng”.

Giữa trưa nắng, một nữ du khách lớn tuổi kiên nhẫn ngồi chờ nghệ nhân Đinh Ngơn (làng Cúc Tung, xã Tơ Tung, huyện Kbang) hoàn thiện chiếc rổ bằng tre để mua về làm quà. Nghệ nhân khéo léo luồn những vòng dây mây riết lại phần cạp rổ thật chắc chắn trước khi trao sản phẩm cho khách. Những hoa văn Bahnar đặc trưng được nghệ nhân tạo ra trên thân rổ bằng kỹ thuật đan xen phần cật và ruột sợi nan vuốt nhẵn. Ngắm nghía chiếc rổ tre, nữ du khách tỏ rõ sự hài lòng.

 Nhiều sản phẩm đan lát của các nghệ nhân xã Tơ Tung (huyện Kbang) làm tới đâu được du khách mua hết tới đó. Ảnh: Minh Châu
Nhiều sản phẩm đan lát của các nghệ nhân xã Tơ Tung (huyện Kbang) làm tới đâu được du khách mua hết tới đó. Ảnh: Minh Châu


Nghệ nhân Đinh Ngơn cho biết, du khách đã mua tất cả sản phẩm đan lát của đoàn nghệ nhân xã Tơ Tung như rổ, rá, gùi. Còn anh Lê Văn Bài-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pết (huyện Đak Đoa) phấn khởi cho biết, hơn 100 sản phẩm đan lát của 2 nghệ nhân trong xã cũng bán hết veo chỉ trong hơn 1 ngày. Đến chiều ngày thứ 2, nhiều người đến tìm mua nhưng không còn để bán. Sản phẩm tiêu biểu của xã là những chiếc gùi đủ kích cỡ do 2 nghệ nhân tài hoa Hyoi và Rinh trổ tài thể hiện. Chiếc gùi có giá cao nhất đến trên 1 triệu đồng. “Kể cả 2 chiếc gùi mang đi trưng bày cũng được du khách nài nỉ mua luôn”-anh Bài nói. Tương tự, các sản phẩm đan lát của đoàn nghệ nhân thị xã An Khê cũng “cháy hàng” khi Ngày hội Văn hóa chưa kết thúc. Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi không thể sở hữu một vật dụng vừa độc đáo, vừa mang tính ứng dụng cao trong sinh hoạt vì đến với ngày hội quá muộn.

Không chỉ có sức hút với giới mộ điệu văn hóa Tây Nguyên, các sản phẩm dệt, đan lát thủ công còn chinh phục bởi tính ứng dụng trong đời sống và giá trị thẩm mỹ. Từ đây có thể thấy sản phẩm quà tặng không thể thiếu trong kinh doanh dịch vụ du lịch, lý do là vì nó là quà tặng từ văn hóa, đem lại thu nhập cho người dân, khẳng định sức sống trường tồn của nghề truyền thống được tạo ra bởi những bàn tay cần mẫn và tài hoa đến từ buôn làng.

Nhà thơ Văn Công Hùng cho rằng: “Đây là dịp người bản địa mang tất cả những vật dụng đang sinh hoạt trong nhà ra để khoe với chúng ta, họ có những sản phẩm độc đáo như thế, bền đẹp bất chấp thời gian. Sản phẩm ấy họ làm để dùng, tự cung tự cấp, chứ chưa phải là hàng hóa mang đi bán, vì thế mà nó tốt. Nhưng chúng ta có thể biến chúng thành hàng hóa, đồ dùng trong mọi gia đình nếu có sự quan tâm của giới chuyên môn, doanh nghiệp đầu tư, đi đôi là chiến lược truyền thông bài bản để quảng bá, giới thiệu rộng rãi. Nhà nước không thể làm thay việc này mà chỉ có thể định hướng để có cách làm phù hợp. Có như vậy, nghề truyền thống và những làng nghề sẽ có đất sống, có sự hồi sinh, không chỉ giúp người dân về mặt kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong chiến lược bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc”.

Trong căn bếp của tôi từ lâu đã nói không với các vật dụng bằng nhựa, thay vào đó là các vật dụng thân thiện với môi trường là những chiếc rổ, rá, nong, nia mua từ các nghệ nhân làng Dơk Lah, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Trong một chuyến công tác về vùng Đông Trường Sơn, tôi rất vui khi mua được đũa bếp, vá, muỗng do nghệ nhân ở Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) làm từ tre. Qua năm tháng sử dụng, những vật dụng ấy vẫn rất bền đẹp. Càng sử dụng những hàng hóa đặc biệt này, càng trân quý sự sáng tạo của nghệ nhân. Chúng khiến ta có cảm giác như mang sự thân thuộc, gần gũi vào nhà, vào trong căn bếp, trong mỗi bữa ăn với nhiều cảm xúc. Điều này lý giải cho sự “cháy” mặt hàng mây tre đan trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc vừa qua. Những mặt hàng đó khi có thị trường phong phú và ổn định sẽ là hướng phát triển, tiếp thêm sức sống cho di sản. Nhà thơ Văn Công Hùng cho rằng, cần tạo thêm những sự kiện tương tự như vậy để tăng cường tiếp thị cho văn hóa, cho chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Việt Nam.

 

 MINH CHÂU
 

Có thể bạn quan tâm