Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

"Quái vật bóng tối" đủ sức nuốt 10 Mặt Trời xuất hiện gần chúng ta

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các hệ thống quan sát thiên văn ngày một tối tân đã làm lộ ra sự thật rùng mình về một "thế giới quái vật" vô hình, đen tối, đang bủa vây gần chúng ta hơn tưởng tượng. Gaia BH1 là một ví dụ.

Theo tờ Space, nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi tiến sĩ Kareem El-Badry từ Trung tâm Vật lý thiên văn Havard & Smithsonian và Trường ĐH Harvard (Mỹ) đã xác định được một lỗ đen cách chúng ta chỉ 1.560 năm ánh sáng - một trong những lỗ đen gần nhất từng được phát hiện.

 

Ảnh đồ họa mô tả cặp đôi kỳ dị với một bản sao Mặt Trời và một lỗ đen - Ảnh: International Gemini Observatory / NOIRLab / NSF / AURA



Nó thuộc về một hệ sao hoàn toàn tương phản với thế giới chúng ta. Vây quanh Mặt Trời là 8 hành tinh và rất nhiều thiên thể khác với nhiều cái có thể có sự sống, trong đó có một Trái Đất xanh tươi, đông đúc.

Thế nhưng, quanh một ngôi sao y hệt chúng ta trong chòm sao Xà Phu chỉ có lỗ đen nói trên, tạo thành một hệ sao nhị phân ma quái, chết chóc.

Các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ vệ tinh lập bản đồ thiên hà Gaia của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), phân tích dữ liệu tia X để xác định cặp đôi kỳ dị nói trên. Thiết bị quang phổ đa vật thể Gemini đặt trên đài thiên văn Gemini North (đặt tại Hawaii) cũng được huy động, giúp cung cấp phép đo chính xác về chu kỳ quỹ đạo.

Trong khi ngôi sao "sống" của hệ nhị phân hoàn toàn tương đồng với Mặt Trời về kích cỡ, khối lượng thì bạn đồng hành của nó - lỗ đen Gaia BH1 - lớn gấp 10 lần.

Hai vật thể quay quanh nhau ở khoảng cách xa nên "bản sao Mặt Trời" vẫn tồn tại dẫu gần nó là một quái vật đủ sức nuốt gọn 10 ngôi sao như nó.

"Đây là phát hiện rõ ràng đầu tiên về một ngôi sao giống Mặt Trời trong một quỹ đạo rộng xung quanh một lỗ đen có khối lượng sao trong thiên hà chúng ta" - tờ Sci-News dẫn lời tiến sĩ El-Badry.

Nghiên cứu vừa được công bố trực tuyến trên tạp chí khoa học Monthly Notices of the Royak Astronomical Society.

Hồi giữa tháng 10, một nhóm nghiên cứu khác dẫn đầu bởi Trường ĐH Alabama - Mỹ cũng đã công bố phát hiện về hệ sao - lỗ đen Gaia DR3 - cách chúng ta 1.550 ánh sáng, trong đó một lỗ đen lớn gấp 11,9 lần Mặt Trời đang khiến ngôi sao đồng hành của nó "lung lay".

Cả hai lỗ đen trong hai nghiên cứu đều là lỗ đen khối lượng sao, tuy to lớn hơn nhiều so với Mặt Trời nhưng vẫn thuộc dạng "tí hon" trong thế giới lỗ đen.

Vĩ đại nhất trong các loại lỗ đen là các lỗ đen quái vật (lỗ đen siêu khối) ở trung tâm các thiên hà. Ví dụ lỗ đen Sagittarius A* (Nhân Mã A*) ở trung tâm thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) có khối lượng tương đương 4 triệu Mặt Trời.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm