Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Quán cà phê 'đồng nát' của chàng hướng dẫn viên du lịch giải nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Cuộc đời của nhựa sẽ đi về đâu?” Đó là câu hỏi thường trực của anh Nguyễn Văn Thơ, chủ quán cà phê tái chế, người giúp rác thải nhựa “sống” một cuộc đời khác khi đã bị bỏ đi.

 
Anh Nguyễn Văn Thơ chia sẻ một góc quán cà phê
Anh Nguyễn Văn Thơ chia sẻ một góc quán cà phê



Tuy mới mở, nhưng quán cà phê với những đồ vật tái chế của anh Thơ trên phố Hàng Tre (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã thu hút nhiều bạn trẻ tìm đến. Không gian quán sử dụng 3.500 chai nhựa làm đồ trang trí, 100% đồ đạc trong quán là đồ tái chế và vật liệu thân thiện môi trường.
Quán cà phê với những món đồ đồng nát

Là một người con sinh ra tại quê hương Kinh Bắc, anh Thơ chia sẻ: “Người ta không chỉ biết đến quê tôi với những làn điệu quan họ nữa. Thật buồn khi Bắc Ninh còn đang được biết đến nhiều với những làng ung thư”.

“Gắn bó với nghề hướng dẫn viên du lịch được 13 năm, được đi khắp mọi miền Tổ quốc, tôi cảm nhận rõ sự thay đổi của những cảnh quan nổi tiếng giờ đây phần lớn đã bị ô nhiễm trầm trọng. Có những du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, có cái nhìn không thiện cảm về tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó”, anh Thơ nói.

Và anh đã quyết định nghỉ việc tại một công ty du lịch của Mỹ với mức lương đáng mơ ước để chuyển hướng sang thu gom đồng nát, mở quán cà phê với những món đồ tái chế.


 

Những chai thủy tinh được tái chế đầy khéo léo trở thành chùm đèn trang trí
Những chai thủy tinh được tái chế đầy khéo léo trở thành chùm đèn trang trí



Lúc đầu, người thân, bạn bè phản đối, gọi anh là “Thơ điên”, “Thơ đồng nát”. “Mọi người mắng tôi vì bỏ việc để đi thu gom đồng nát, mở quán cà phê với những món đồ bỏ đi”, anh Thơ kể.

Ngay cả chính anh cũng có lúc từng băn khoăn khi rời bỏ công việc có mức thu nhập ổn định để đi làm việc chưa biết bắt đầu từ đâu, chưa có kiến thức về kinh doanh, hay marketing. Sau một năm ấp ủ, cuối cùng, Thơ cũng đã mở được quán cà phê với toàn bộ đồ trang trí và nội thất từ nhựa, đồ cũ và vật liệu thân thiện với môi trường.

“Tôi rong ruổi khắp Hà Nội và các tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình để nhặt và mua chai nhựa. Có khi tôi gom rác ở ven đường, các bãi rác, bờ sông…”, Thơ nhớ lại. Trong hành trình ấy, anh không tránh khỏi những ánh mắt khó hiểu. Rác được gom về quán. Anh tự tay cọ rửa, sơn sửa để tạo nên những món đồ độc đáo.


 

Không gian quán cà phê với những bộ bàn ghế được tạo ra từ bánh xe bỏ đi, thân máy cày đã cũ
Không gian quán cà phê với những bộ bàn ghế được tạo ra từ bánh xe bỏ đi, thân máy cày đã cũ



Quán cà phê dần hoàn thiện, sử dụng rất nhiều vật liệu tái chế khác nhau, phần lớn là nhựa. Những chai nhựa được anh Thơ làm thành những chùm đèn, con chuồn chuồn, đổ màu tỉ mỉ. Bình nước 20 lít cũng được anh tái chế trở thành chiếc chao đèn. Chai thủy tinh, chai rượu được anh cắt ra, mài cạnh để trở thành chiếc cốc uống cà phê bắt mắt. Toàn bộ ống hút là inox hoặc ống hút tre tái sử dụng được nhiều lần. Chiếc lốp xe bỏ đi, bánh răng máy cày đã cũ cũng được anh sáng tạo thành bàn cà phê.

Bên cạnh đó quán cũng áp dụng những quy tắc rất đặc biệt: giảm giá từ 5 - 20% cho khách đến uống cà phê mang theo chai nhựa. Không bán cà phê cho những khách hàng muốn mua mang đi nhưng không mang theo đồ để đựng. Thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường được truyền tải mạnh mẽ từ quán cà phê tái chế này.


 

Một không gian hoài cổ được tạo nên từ những món đồ phế thải
Một không gian hoài cổ được tạo nên từ những món đồ phế thải



Người truyền cảm hứng

Đối với anh Nguyễn Văn Thơ, thành quả không dừng lại ở việc hoàn thiện quán cà phê tái chế độc đáo, mà thành công lớn nhất của anh chính là có thể lan tỏa được ý thức bảo vệ môi trường đến nhiều người.

“Có những vị khách hàng đi từ Cầu Giấy, Linh Đàm đến quán để tặng những vỏ chai nhưng không yêu cầu giảm giá đồ uống như quy định. Cũng có bạn dù 9 giờ tối vẫn từ chỗ làm đến tận quán chỉ để tặng tôi vài chiếc chai nhựa”, anh Thơ nói.

Ở quán cà phê tái chế này, không chỉ có những người hiếu kì vì không gian lạ, tò mò xem những món đồ phế thải được tái chế ra sao, mà còn có rất nhiều người yêu môi trường, muốn bảo vệ môi trường tìm đến đây.


 

Anh Thơ hướng dẫn tái chế chai nhựa cho các em nhỏ trường Tiểu học Long Biên
Anh Thơ hướng dẫn tái chế chai nhựa cho các em nhỏ trường Tiểu học Long Biên



Không chỉ dừng lại ở việc kết nối những người yêu môi trường tại quán cà phê của mình, anh Nguyễn Văn Thơ hiện còn trở thành người truyền cảm hứng, hướng dẫn các bạn nhỏ tái chế rác, bảo vệ môi trường trong giờ ngoại khóa tại các trường tiểu học ở Hà Nội.

Gần đây nhất, anh Thơ đã kêu gọi những người bạn của mình, những người yêu môi trường, cùng tham gia “thử thách rọn rác”. Anh cùng những người bạn chung tay dọn hàng tấn rác thải tại bãi giữa sông Hồng. “Giờ tôi nghĩ, hành trình của mình chẳng còn đơn độc nữa”, anh Thơ nói.

Nguyễn Trang (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm