Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Thanh niên vùng cao làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ “Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp” - Bình Liêu (Quảng Ninh), rất nhiều bạn trẻ đã vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và quê hương.

Với trên 90% thành viên là thanh niên các dân tộc thiểu số, “Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp” huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh là nơi thể hiện quyết tâm lập thân, khởi nghiệp của tuổi trẻ địa phương. Từ câu lạc bộ này rất nhiều bạn trẻ đã vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và quê hương.

Nằm dưới chân núi Cao Ba Lanh, giữa bạt ngàn ruộng dong riềng, xưởng sản xuất miến dong rộng 500m2 do anh Trần Văn Hoàng làm chủ là một trong những địa chỉ sản xuất miến dong uy tín. Với quyết tâm đưa sản xuất miến dong theo hướng góp phần xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh, anh Trần Văn Hoàng đã đưa máy móc công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2017, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 30 lao động địa phương với mức lương bình quân hơn 5 triệu đồng/tháng.


 

Anh Trần Văn Hoàng đã đưa máy móc công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2017, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 30 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng.
Anh Trần Văn Hoàng đã đưa máy móc công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2017, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho 30 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng.



Bước đầu có được thành công từ việc kinh doanh, anh Trần Văn Hoàng tham gia vào “Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp” với mong muốn được học hỏi và sẻ chia những kinh nghiệm của bản thân, tạo động lực cho các bạn trẻ địa phương học tập và làm theo.


Anh Trần Văn Hoàng chia sẻ: “Sau khi xây dựng xưởng xong, có quy mô rồi tôi cũng muốn được tham gia vào “Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện Bình Liêu” để những vấn đề mình không giải quyết được thì có thể trao đổi với các câu lạc bộ huyện bạn và của Tỉnh. Tôi cũng có đi thực tế mô hình của các thành viên trong câu lạc bộ, hướng dẫn tư vấn, trao đổi giúp các bạn làm mô hình khởi nghiệp một cách khoa học và hiệu quả".

Nếu như trước kia người dân Bình Liêu sống chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp thì tới nay, thanh niên của huyện cũng đang dần mở ra một hướng đi mới, đó là làm dịch vụ du lịch trên mảnh đất được mệnh danh là “Sa Pa của Quảng Ninh”.

Thấy được tiềm năng khách du lịch đến với Bình Liêu, nhu cầu lưu trú tăng, anh Hoàng Văn Sằn đã đi học hỏi các mô hình homestay ở nhiều nơi và quyết định về thực hiện tại quê hương mình. Người dân tại xã Đồng Văn được anh hướng dẫn trở thành những hướng dẫn viên du lịch, các hoạt động như hát then đàn tính, trải nghiệm các món ăn độc đáo của người Tày Bình Liêu cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho thanh niên địa phương.

“Tôi làm dịch vụ homestay được hơn 1 năm nay. Ban đầu làm homestay để du khách có chỗ nghỉ, sau đó theo nhu cầu của du khách mở thêm các dịch vụ kèm theo như: Hướng dẫn viên bản địa, cho thuê xe máy, phục vụ ăn uống tại homestay với những món ăn đặc sản đặc trưng của Bình Liêu. Rất nhiều đoàn đã quay trở lại và du khách cũng giới thiệu các dịch vụ của homestay cho bạn bè của họ được biết” - anh Trần Văn Hoàng cho biết.


 

Trong năm 2018, HTX nông lâm nghiệp dịch vụ Húc Động thu mua gần 400 tấn dong riềng của bà con 2 thôn Thông Châu và Khe Mó của xã Húc Động.
Trong năm 2018, HTX nông lâm nghiệp dịch vụ Húc Động thu mua gần 400 tấn dong riềng của bà con 2 thôn Thông Châu và Khe Mó của xã Húc Động.


Tuy mới thành lập được gần 1 năm, nhưng “Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện Bình Liêu” đã có 30 thành viên với 4 Hợp tác xã do thanh niên làm chủ, đó là mô hình Hợp tác xã sản xuất rau sạch; dịch vụ du lịch homestay; chăn nuôi lợn, gà và sản xuất miến dong. Cứ 3 tháng câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt 1 lần để góp ý, trao đổi, tháo gỡ những vướng mắc cho thanh niên như: kinh nghiệm sản xuất, khởi nghiệp, hỗ trợ các thủ tục vay vốn,…

Anh Hoàng Việt Dũng, Phó Bí thư Huyện đoàn, Phó Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp huyện Bình Liêu” cho biết: “Các thành viên trong câu lạc bộ đa số là người dân tộc lần đầu được giao tiếp với công nghệ và còn có sự rụt rè. Hàng tháng, hàng tuần, hoặc mỗi khi có thời gian rảnh, các thành viên trong Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ sẽ đến tận gia đình từng thành viên.

Trong năm 2019, Câu lạc bộ khởi nghiệp Bình Liêu sẽ định hướng cho ít nhất 10 thành viên hình thành các mô hình phát triển kinh tế cũng như phát triển các dịch vụ du lịch, phấn đấu tăng cường công tác giao lưu học hỏi ở các câu lạc bộ huyện bạn cũng như ngoài tỉnh”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng thanh niên huyện miền núi biên giới Bình Liêu đang ngày càng có ý thức học hỏi, mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế đa lĩnh vực. Bằng sự hỗ trợ, chia sẻ của các thành viên câu lạc bộ khởi nghiệp cùng tinh thần vượt khó, tuổi trẻ Bình Liêu đang từng ngày vươn lên trong phát triển kinh tế xã hội đóng góp vào sức vươn của quê hương, đất nước.

Mai Linh-Thu Hằng/VOV-Đông Bắc
 

Có thể bạn quan tâm