Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Quan hệ Israel - Iran: Khoảng lặng trước giông bão?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kể từ sau vụ tấn công của Iran vào lãnh thổ Israel tới nay, Dải Gaza trải qua những ngày tương đối yên tĩnh và Israel cũng đang thực hiện các hoạt động hạn chế tại khu vực này.

Liệu đây có phải là khoảng lặng trước cơn bão tiếp theo hay liệu một trạng thái bình thường mới đã hình thành có thể dẫn đến sự xuống thang căng thẳng hay không?

Giới chuyên gia phân tích nhận định rằng, khả năng xảy ra một cuộc tấn công “đối xứng” từ Israel vào Iran là rất thấp do nguồn lực hạn chế vì cuộc xung đột ở Gaza và áp lực của Mỹ. Thực tế cho thấy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các thành viên cấp cao trong nhóm an ninh quốc gia cũng đã khẳng định rằng, Washington sẽ không tham gia vào bất kỳ hành động tấn công nào chống lại Iran. Người đứng đầu Nhà Trắng đã tìm cách coi việc Israel đánh chặn thành công cuộc tấn công của Iran là một chiến thắng lớn, với gợi ý rằng phản ứng tiếp theo của Israel là không cần thiết.

Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4. Ảnh: IRNA

Tên lửa được phóng từ Iran về phía Israel tối 13/4. Ảnh: IRNA

Các nước Arab ôn hòa ở Trung Đông đang nỗ lực thuyết phục Tel Aviv không đáp trả tương tự trong khi Israel cũng đang thực hiện sứ mệnh hàn gắn quan hệ với các quốc gia Arab, một số quốc gia nằm đối diện Vịnh Ba Tư với Iran, là nơi đặt căn cứ quân sự của Mỹ. Những quốc gia này đã thực hiện một hành động cân bằng giữa mối quan hệ với Iran và với Israel, đồng thời cảnh giác với tác động của một cuộc xung đột toàn diện Iran-Israel đối với sự ổn định và xuất khẩu dầu của chính họ. Cụ thể hơn, giữa căng thẳng Iran-Israel, thế giới Arab sẽ tìm cách “làm dịu tình hình” vì nếu vòng xoáy leo thang, trên hết nó sẽ ảnh hưởng đến các chế độ quân chủ ở vùng Vịnh. Còn ở trong nước, Israel cũng cần phải tính đến những cân nhắc chính trị.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu lãnh đạo liên minh cánh hữu nhất trong lịch sử đất nước, và việc giữ cho chính phủ đó không sụp đổ sẽ cần đến sự ôn hòa của những người theo đường lối cứng rắn. Do đó, bất kỳ quyết định trả đũa nào của Israel sẽ bị ảnh hưởng bởi chính phủ cực hữu của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Chưa hết, dư luận ở Israel không muốn mở thêm một mặt trận nào khác trong bối cảnh quân đội nước này vẫn đang chiến đấu ở Gaza.

Về phía Iran, chính quyền Tehran được đánh giá là bên hưởng lợi qua việc khôi phục được uy tín đối với công chúng trong nước và trong mắt những người có cảm tình với họ ở Trung Đông. Nếu Iran không trả đũa cuộc tấn công lãnh sự quán ở Syria, hoặc phủ nhận nó bằng một vài cuộc tấn công mang tính biểu tượng cao thông qua lực lượng Hezbollah nhằm vào miền Bắc Israel, thì uy tín của Tehran sẽ bị nghi ngờ và lời biện minh là “tránh căng thẳng khu vực” sẽ không có tác dụng.

Với hành động đáp trả đó, Iran đã củng cố hình ảnh của mình như một nhân tố có khả năng tấn công trực tiếp vào Israel, điều mà chỉ có Tổng thống Iraq Saddam Hussein trước đây từng làm trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Hơn nữa, trong tuyên bố của mình, Iran đã đề cập đến Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và nhắc lại rằng hành động trả đũa là để đáp trả vụ tấn công lãnh sự quán của họ. Iran đã thực hiện cam kết tránh leo thang chiến tranh lan rộng ngoài Gaza như đã hứa với Mỹ trong những tuần sau ngày 7/10 năm ngoái. Vì vậy, Iran đặt động thái của mình bên ngoài cuộc xung đột Israel - Hamas và nhấn mạnh rằng hành động trả đũa nên được nhìn nhận theo cách này.

Tuy vậy, Iran sáng 19/4 đã phải kích hoạt hệ thống phòng không tại một số khu vực sau khi truyền thông nhà nước đưa tin về các vụ nổ xảy ra gần TP Isfahan ở miền Trung. Đây được coi là một thành phố có tầm quan trọng chiến lược và là nơi tọa lạc của một số cơ sở quan trọng, bao gồm các địa điểm nghiên cứu và phát triển quân sự cũng như các căn cứ. TP Natanz gần đó là nơi có một trong những địa điểm làm giàu hạt nhân của Iran.

Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay, cuộc tấn công là do Israel tiến hành và Tel Aviv đã thông báo với Washington rằng, họ không nhắm mục tiêu vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Theo nguồn tin này, mục tiêu là một số địa điểm liên kết với chương trình hạt nhân của Iran ở trong và xung quanh TP Isfahan. Một báo cáo khác của Fox News trích dẫn “một nguồn tin quân sự được bố trí hợp lý” mô tả cuộc tấn công là “có giới hạn”. Về phần mình, Quân đội Israel cho biết họ “không có bình luận nào vào thời điểm này”. Văn phòng Thủ tướng Israel thì từ chối xác nhận với tờ Times of Israel rằng, Tel Aviv đứng sau vụ nổ ở Isfahan.

Những thông tin trên xuất hiện chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cảnh báo nếu Israel thực hiện thêm bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Iran, phản ứng của nước này sẽ là ngay lập tức và ở mức tối đa. Trong khi đó, Tư lệnh Ahmad Haqtalab của Quân đoàn An ninh và Bảo vệ Trung tâm Hạt nhân thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đưa ra cảnh báo rằng, những lời đe dọa đáp trả gần đây của Israel “khiến chúng tôi có thể xem xét lại học thuyết hạt nhân của mình và đi chệch khỏi những cân nhắc trước đây của chúng tôi”.

Ông cho biết thêm, nếu Israel tấn công các trung tâm hạt nhân của Iran, “chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tên lửa tiên tiến để đáp trả vào các cơ sở hạt nhân của chính họ”. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng cảnh báo rằng ngay cả cuộc xâm phạm “nhỏ nhất” vào lãnh thổ Iran cũng sẽ gây ra phản ứng “quy mô và khắc nghiệt”. Đây là lần đầu tiên Iran đề cập rõ ràng đến chương trình vũ khí hạt nhân của mình kể từ khi phát động cuộc tấn công chống lại Israel.

Có thể bạn quan tâm