Đô thị

Quản lý cây xanh đô thị: Chuyện không nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mấy ngày qua, dư luận rất bức xúc trước việc Công ty TNHH Hoàng Phương Gia Lai cắt rễ 6 cây nhạc ngựa trên đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) để làm bồn cây. Chính xác hơn là người dân lo lắng trước nguy cơ ngã đổ vào mùa mưa bão nếu cây xanh bị cắt rễ. Sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân, UBND phường Phù Đổng đã tiến hành xác minh vụ việc và đề nghị UBND thành phố ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với đơn vị thi công.

Đa số ý kiến đều hoan nghênh sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp, đặc biệt là việc UBND tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo tạm dừng thi công, bảo vệ cây xanh vỉa hè một số tuyến đường trên địa bàn TP. Pleiku. Có ý kiến cho rằng, phạt vi phạm hành chính là chưa đủ, cần phải buộc đơn vị thi công chịu trách nhiệm về “số phận” của số cây xanh này!

Về phía Công ty TNHH Hoàng Phương Gia Lai, đây là bài học sâu sắc về công tác quản trị, điều hành. Chỉ vì chạy theo tiến độ thi công công trình mà đơn vị đã bỏ qua các quy định về quản lý cây xanh đô thị.

Nhân vụ việc vi phạm của Công ty TNHH Hoàng Phương Gia Lai, chúng ta dễ dàng nhận thấy vẫn còn những “hạt sạn” trong cách ứng xử của người dân Pleiku với cây xanh. Đó là thái độ “sống chết mặc bay”, dửng dưng, vô trách nhiệm với những diễn biến của cây xanh ngay trước mặt nhà. Cá biệt, có những trường hợp còn lén lút chặt cành, cắt rễ, thậm chí đầu độc cây xanh.

Theo quy định của pháp luật, cây xanh đô thị là một loại tài sản công được giao cho các doanh nghiệp thực hiện quản lý, chăm sóc. Vì vậy, nếu xâm hại hệ thống cây xanh đô thị cũng được xem là hành vi xâm hại tài sản công. Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 của Chính phủ quy định 8 hành vi đối với cây xanh đô thị bị nghiêm cấm. Trong đó, đáng chú ý là các hành vi: Tự ý chặt hạ, dịch chuyển, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. Đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, lột vỏ thân cây; đổ rác, chất độc hại và vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh; phóng uế, đun nấu, đốt gốc, xây bục, bệ quanh gốc cây. Treo, gắn biển quảng cáo, biển hiệu và các vật dụng khác trên cây; giăng dây, giăng đèn trang trí vào cây xanh khi chưa được phép. Lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép trên đất cây xanh hiện có hoặc đã được xác định trong quy hoạch đô thị và ngăn cản việc trồng cây xanh theo quy định…

Công ty TNHH Hoàng Phương Gia Lai đã cắt rễ, xâm hại đến 6 cây nhạc ngựa khi thi công lát đá vỉa hè đường Lê Duẩn. Ảnh: Nguyễn Tú

Công ty TNHH Hoàng Phương Gia Lai đã cắt rễ, xâm hại đến 6 cây nhạc ngựa khi thi công lát đá vỉa hè đường Lê Duẩn. Ảnh: Nguyễn Tú

Trở lại với vi phạm của Công ty TNHH Hoàng Phương Gia Lai, có ý kiến cho rằng: “Chỉ 6 cây thôi mà, có gì ghê gớm!” hay “Cắt rễ này thì mọc rễ khác”... Theo chúng tôi, vấn đề ở đây không chỉ dừng lại ở phạm vi cây xanh. Giả sử 1 trong 6 cây ấy ngã đổ gây thương vong cho con người và hư hỏng tài sản thì sẽ ra sao? Và trước hết, hành vi tự ý cắt rễ cây xanh đã vi phạm Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị và Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28-1-2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Nhân đây, tôi xin kể lại một câu chuyện liên quan cây xanh ở nơi cư trú. Chuyện là, cách đây khoảng 20 năm, ông P. (lúc ấy là sĩ quan Công an) có trồng trước nhà mình một cây hoa sữa. Đến nay, cây cao đến chục mét và có đường kính gốc gần 1 m. Nhận thấy nguy cơ gãy đổ cành nhánh vào mùa mưa bão nên ông P. có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép tỉa cành và cắt ngọn. Sau khi tiến hành kiểm tra, đơn vị chức năng đã tiến hành các bước theo đề nghị của ông P. Giờ đây, cây hoa sữa vẫn tỏa bóng mát và đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Đến đây, tôi có thể khẳng định rằng, chuyện 6 cây nhạc ngựa trên đường Lê Duẩn tưởng nhỏ mà không hề nhỏ!

Có thể bạn quan tâm