Sức khỏe

Quản lý chặt mua bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngành Y tế tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc kết nối mạng giữa các cơ sở cung ứng thuốc chữa bệnh trong tỉnh với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Việc kết nối mạng này giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
167 cơ sở đã kết nối
Bác sĩ Trần Duy Linh-Phó Giám đốc Sở Y tế-cho biết: “Để quản lý tình trạng các cơ sở bán thuốc không theo đơn và kiểm soát giá thuốc, chất lượng thuốc nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng, buôn bán thuốc với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Theo đó, từ ngày 1-1-2019, các nhà thuốc trên toàn quốc phải có thiết bị và triển khai kết nối mạng để đảm bảo kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào và bán ra. Đối với các quầy thuốc, đến ngày 1-1-2020 phải hoàn tất việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc mua, bán thuốc. Đối với tủ thuốc trạm y tế xã, phải hoàn tất việc ứng dụng công nghệ thông tin này trước ngày 1-1-2021”.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, đến hết tháng 3-2019, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc mua bán thuốc tại các cơ sở cung ứng, buôn bán thuốc với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Hiện đã có 24.922 cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc được cài đặt và cung cấp tài khoản liên thông. Riêng số nhà thuốc trên toàn quốc đã thực hiện kết nối mạng là 15.178, chiếm 80% số nhà thuốc toàn quốc.
 Gia Lai đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối mạng giữa các cơ sở cung ứng thuốc chữa bệnh trong tỉnh với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Ảnh: N.T
Gia Lai đang đẩy mạnh các hoạt động kết nối mạng giữa các cơ sở cung ứng thuốc chữa bệnh trong tỉnh với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Ảnh: N.T
Tại Gia Lai, theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế), toàn tỉnh có 119 nhà thuốc và 684 quầy thuốc. Tính đến đầu tháng 4-2019, toàn tỉnh có 167/803 nhà thuốc và quầy thuốc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Trong đó, 119 nhà thuốc đã thực hiện việc kết nối theo đúng quy định của Bộ Y tế. 
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai là đơn vị phối hợp với Viettel Gia Lai triển khai việc lắp đặt thiết bị để kết nối mạng tại các cơ sở cung ứng thuốc của công ty trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Trung-Tổng Giám đốc Công ty-chia sẻ: “Công ty có 200 nhà thuốc, quầy thuốc và đại lý phân bố tại các địa phương của tỉnh. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai xong việc kết nối mạng ở các nhà thuốc. Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, chúng tôi sẽ kết nối xong các quầy thuốc, đại lý với cổng dược quốc gia”.
Triển khai nhiều hoạt động
Theo Sở Y tế, sau khi nhận các văn bản chỉ đạo và thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, đơn vị đã triển khai các hoạt động để kết nối cơ sở cung ứng, bán thuốc với cơ sở dữ liệu quốc gia. Sở đã cùng với Viettel Gia Lai xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc này và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nhà thuốc thực hiện. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền để chủ nhà thuốc, quầy thuốc nhận thức được những lợi ích khi kết nối mạng và tham gia thực hiện. 
Năm 2018, Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gần 20 lớp tập huấn cho chủ nhà thuốc, quầy thuốc và đại lý trên toàn tỉnh về ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc với cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Những hoạt động này của ngành Y tế đã thu hút sự ủng hộ của người dân, chủ các doanh nghiệp, quầy thuốc… Tuy nhiên, số lượng các cơ sở cung ứng thuốc tham gia kết nối mạng với cơ sở dữ liệu dược quốc gia chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu là do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn khiến chi phí đầu tư máy móc, đường truyền cao và khó khăn trong việc lắp đặt; nhận thức của chủ cơ sở cung ứng, buôn bán thuốc trên địa bàn còn hạn chế; sự vào cuộc chưa quyết liệt của đội ngũ y tế cơ sở và các cơ quan chính quyền trong việc đôn đốc, vận động cơ sở cung ứng thuốc thực hiện theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế; khách hàng còn e dè khi cung cấp thông tin để mua thuốc... Mặt khác, việc chưa thống nhất dữ liệu và hệ thống đường truyền bị lỗi khiến chủ các cơ sở cung ứng thuốc chưa mặn mà trong việc kết nối. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP. Pleiku, tâm lý chung của chủ cửa hàng là đồng tình với việc kết nối mạng nhưng chưa quen và không muốn mất nhiều thời gian cho việc nhập thông tin vào hệ thống sau khi bán hàng.
Để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc với cơ sở dữ liệu dược quốc gia, bác sĩ Trần Duy Linh cho biết thêm: “Tới đây, Sở Y tế sẽ cử 1 nhóm cán bộ và nhân viên đi dự hội nghị tập huấn do Bộ Y tế tổ chức về việc kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc tại tỉnh Lâm Đồng. Sau lớp tập huấn, Sở sẽ mở các lớp tập huấn để đào tạo cho chủ các cơ sở cung ứng thuốc, đội ngũ y tế ở huyện, xã để nắm rõ hơn và thực hiện. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức thanh-kiểm tra tại các nhà thuốc, quầy thuốc để xử lý vi phạm và nhắc nhở chủ cơ sở tham gia kết nối mạng. Song song với đó là đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân, kể cả người bán và người mua thuốc nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng thuốc”.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm