(GLO)- Gia Lai có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho các loại cây trồng ngắn và dài ngày phát triển tốt, vì vậy, mỗi khi đến vụ sản xuất, thị trường giống cây trồng luôn sôi động. Thế nhưng, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng của các cơ quan chức năng hiện còn gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh hiện có 363 cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Trong đó, có 71 cơ sở sản xuất, kinh doanh hạt giống và giống cây trồng ngắn ngày; 292 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm. Trong khi các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng ngắn ngày chấp hành khá tốt các quy định của Nhà nước thì tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả vẫn còn nhiều tồn tại, như: giống không rõ nguồn gốc, trang-thiết bị không đảm bảo, chưa có cán bộ kỹ thuật đảm trách và còn mang tính tự phát, thời vụ...
Kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Ảnh: N.D |
Ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: Nguồn giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất cây trồng trong mỗi mùa vụ. Tuy nhiên, tình trạng các cơ sở chạy theo phong trào đổ xô sản xuất một số cây trồng mới trong khi công tác kiểm tra, giám sát chưa theo kịp rất dễ dẫn đến những hậu quả khó lường. Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn. Địa phương cũng đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thanh-kiểm tra 120 cơ sở. Qua đó phát hiện 13 cơ sở vắng chủ hoặc không phối hợp tại thời điểm thanh-kiểm tra;100 cơ sở vi phạm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đáp ứng điều kiện ghi nhãn, công bố tiêu chuẩn cây giống xuất vườn... Trước các lỗi vi phạm nhẹ, đoàn kiểm tra đã tập trung tuyên truyền, nhắc nhở tránh tái phạm.
Ông Nguyễn Văn Tú-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh, thừa nhận, công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Cụ thể là công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng chưa được các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đúng mức. Một số tổ chức, cá nhân không nắm bắt được những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vì vậy chấp hành chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản của Trung ương cũng như của tỉnh về vấn đề này còn chưa đồng bộ, chưa cụ thể, rõ ràng. Các sở, ngành và chính quyền địa phương các cấp chưa làm tốt chức năng nhiệm vụ nên chưa đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng nói riêng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nói chung.
Cũng theo ông Tú, để đáp ứng nhu cầu về chủng loại, số lượng và chất lượng giống cây trồng phục vụ sản xuất trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng, giúp các địa phương tổ chức thực hiện thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần ban hành các văn bản quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng; mở các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hộ sản xuất, kinh doanh và tổ chức kiểm định thường xuyên để người dân yên tâm sử dụng giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất.
Nguyễn Diệp