Giáo dục

Tin tức

Quản lý, sử dụng thiết bị dạy học: Còn hạn chế, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng năm, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Gia Lai cùng chính quyền địa phương luôn quan tâm đầu tư bổ sung, nâng cấp phòng học bộ môn và thiết bị cho các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, công tác quản lý trang-thiết bị còn không ít hạn chế, bất cập.
Đẩy mạnh giáo dục thông minh
Năm 2019, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh được trang bị phòng học đa chức năng với màn hình ti vi 65 inch tích hợp phần mềm biên soạn bài giảng đa phương tiện Smartclass+; phần mềm MAD hỗ trợ cho giáo viên trong việc soạn thảo giáo án; các phần mềm mô phỏng thí nghiệm ảo cho các môn học; phần mềm thư viện mô phỏng tương tác 2D/3D Sensavis... Hiệu trưởng Võ Thành Nguyên cho biết: Để khai thác hiệu quả phòng học đa chức năng, nhà trường đã xây dựng kế hoạch sử dụng phù hợp theo từng năm học. Nhà trường cũng phân công giáo viên, nhân viên thiết bị phụ trách quản lý phòng học đa chức năng; chỉ đạo dự giờ tại đây để đánh giá chất lượng tiết dạy, kỹ năng và hiệu quả sử dụng. Sau 3 năm, phòng học này đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Tương tự, tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ, 5/5 lớp đều được trang bị thiết bị dạy học hiện đại kết nối internet; trong đó có 1 bảng tương tác, 1 màn hình chiếu và 5 ti vi thông minh. Thầy Vũ Xuân Ba-giáo viên Tiếng Anh-chia sẻ: “Khi giảng dạy trên bảng tương tác thông minh, chúng tôi có thể tìm tài nguyên từ nhiều nguồn phong phú và tự xây thành gói tài nguyên riêng cho bản thân; đồng thời, giao nhiệm vụ đa chiều, thực hành nhiều hơn cho học sinh và dễ dàng tạo trang mới để giải thích nếu các em chưa hiểu. Học sinh cũng khá hứng thú khi được trực tiếp tham gia vào bài giảng, tương tác trên màn hình”.
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ học tập trên bảng tương tác thông minh. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ học tập trên bảng tương tác thông minh. Ảnh: Mộc Trà
Dù mới được đưa vào sử dụng đầu năm học 2021-2022, song phần mềm tuyển sinh đầu cấp đã bước đầu cho thấy hiệu quả tại Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku). Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiên, tháng 6-2021, nhà trường được Phòng GD-ĐT thành phố phối hợp với Viettel Gia Lai hướng dẫn khai thác và đưa vào sử dụng phần mềm này. “Ưu điểm lớn nhất của phần mềm là đã tận dụng được cơ sở dữ liệu sẵn có của SMAS liên thông từ mầm non đến cấp THPT, giúp việc nhập dữ liệu được đơn giản, nhẹ nhàng và chính xác; giảm nhẹ việc quản lý và cập nhật thông tin học sinh đầu năm”-cô Hiên đánh giá.
Nhiều trường gặp khó
Những năm qua, các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học phù hợp với đặc điểm của đơn vị cũng như thiết bị hiện có, đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục vẫn gặp phải không ít khó khăn.  
Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) được đầu tư xây dựng 3 phòng thực hành, thí nghiệm vào năm 2007. Nhà trường đã bố trí lần lượt thành các phòng thực hành Vật lý-Công nghệ, Hóa học-Sinh học và Tin học. Hiện nay, các hạng mục bên trong đều đã xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư sửa chữa. “Nguyên nhân là do quá trình đầu tư, xây dựng chưa kịp thời so với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học; kinh phí mua sắm, bổ sung thiết bị dạy học còn hạn hẹp. Thêm vào đó, giáo viên phụ trách thiết bị và các phòng bộ môn đều kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn dẫn đến khả năng quản lý còn nhiều hạn chế”-Hiệu trưởng Phạm Thị Vóc thông tin.
Nhiều thiết bị thí nghiệm, thực hành tại Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) được đầu tư, trang bị lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Mộc Trà
Nhiều thiết bị thí nghiệm, thực hành tại Trường THCS Chu Văn An (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) được đầu tư, trang bị lâu năm đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: Mộc Trà
Còn thầy Võ Thành Nguyên thì cho rằng, đơn vị cung cấp thiết bị tổ chức tập huấn việc sử dụng phòng học đa chức năng cho cán bộ quản lý, giáo viên chưa chuyên sâu, thời gian tập huấn còn ít nên một bộ phận giáo viên chưa thật thành thạo trong việc sử dụng; chưa khai thác hết các chức năng của thiết bị và các phần mềm được trang bị kèm theo. Mặt khác, qua thực tiễn ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cho thấy, những giáo viên lớn tuổi, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học còn hạn chế thường có tâm lý e ngại khi sử dụng phòng học đa chức năng.
Liên quan đến phần mềm tuyển sinh đầu cấp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ cũng nêu một số khó khăn gặp phải như: tình trạng tắc nghẽn không truy cập được vào lúc cao điểm; việc thay đổi mã số tuyển sinh liên tục khiến mã số học sinh được cấp ở trường tiểu học khi tới trường THCS không sử dụng được, phải liên hệ để được cấp lại; quá trình chuyển dữ liệu từ trang tuyển sinh sang SMAS đôi khi không thực hiện được; việc phân lớp tự động, ngẫu nhiên sau tuyển sinh chưa được khoa học; hồ sơ ảo tuy không nhiều nhưng vẫn có...
Tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh về tăng cường công tác quản lý, sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định yêu cầu các cơ sở giáo dục chú trọng công tác quản lý, sử dụng, bảo dưỡng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học theo quy định. Cùng với đó, triển khai sử dụng có hiệu quả thiết bị dạy học đã được trang bị, tránh lãng phí; chỉ đạo, tổ chức phong trào tự làm thiết bị dạy học để bổ sung, cải tiến, sửa chữa thiết bị dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục…
“Trong bối cảnh đổi mới chương trình và sách giáo khoa, nhiều cơ sở giáo dục vẫn còn thiếu trang-thiết bị dạy học. Sở cũng đã yêu cầu các trường phải tận dụng tối đa, khai thác và sử dụng hiệu quả các phòng học bộ môn, phòng học đa chức năng và thiết bị dạy học hiện có để giảng dạy, học tập; tránh tình trạng “dạy chay”, lười sử dụng thiết bị, thí nghiệm, thực hành. Bởi lẽ, đây sẽ là điều kiện tiền đề cho các trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020-2025, tiệm cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới”-Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm