Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quản lý thuế xây dựng nhà ở tư nhân, giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu tháng 4 vừa qua, Cục Thuế tỉnh Gia Lai triển khai chuyên đề “Tăng cường giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Đến nay, việc quản lý thuế xây dựng nhà ở tư nhân đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương.
Nhằm đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, chống thất thu thuế đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân, ngày 8-4-2022, Cục Thuế tỉnh đã triển khai chuyên đề “Tăng cường giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai”. Theo đó, trên cơ sở quy chế phối hợp giữa Cục Thuế tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ký kết năm 2021, Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các Chi cục Thuế tham mưu cho UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành chức năng liên quan phối hợp với cơ quan Thuế cung cấp thông tin về giấy phép xây dựng phát sinh trên địa bàn để thực hiện quản lý thuế theo quy định. Từ danh sách cấp giấy phép xây dựng được cung cấp hàng tháng, hàng quý, cơ quan Thuế có trách nhiệm chỉ đạo các đội thuế, cán bộ thuế thực hiện rà soát, kiểm tra thực tế, đôn đốc việc kê khai nộp thuế; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức để người dân, tổ chức, cá nhân nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế đối với hoạt động xây dựng công trình, nhà ở tư nhân. Cục Thuế tỉnh đặt ra mục tiêu, đối với giấy phép xây dựng được cấp hàng năm, đến ngày 30-6 của năm kế tiếp, các Chi cục Thuế phải quản lý thuế đạt tối thiểu 90% trên tổng số giấy phép thực tế có xây dựng. Đối với các giấy phép xây dựng đã cấp năm 2021 nhưng chủ thầu (hoặc chủ nhà) chưa đăng ký kê khai, nộp thuế, các Chi cục Thuế tập trung rà soát, đảm bảo đến hết ngày 30-9-2022 phải quản lý thu thuế đạt tối thiểu 90% số giấy phép thực tế có xây dựng.
Ngay sau khi chuyên đề được triển khai, hầu hết Chi cục Thuế địa phương, Chi cục Thuế khu vực đã tham mưu UBND cấp huyện ban hành quy chế phối hợp, kế hoạch thực hiện. Tính sơ bộ đến ngày 30-6-2022, tổng số giấy phép xây dựng được cấp toàn tỉnh năm 2021 là 2.578; số giấy phép thực tế không xây dựng là 181; số giấy phép xây dựng đã được quản lý thuế là 1.631 với tổng số thuế thu từ hoạt động xây dựng cơ bản nhà ở tư nhân là 13,099 tỷ đồng, đạt 68% so với số giấy phép thực tế có xây dựng.
Thông qua việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: Đức Thụy
Thông qua việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: Đức Thụy
Đối với giấy phép xây dựng cấp năm 2022, Cục Thuế tỉnh đặt mục tiêu đến ngày 30-6-2023, số giấy phép xây dựng đã quản lý thuế trên tổng số giấy phép thực tế có xây dựng phải đạt tối thiểu 90%. Theo đó, cho đến ngày 30-6-2022, tổng số giấy phép xây dựng được cấp là 1.682; số giấy phép thực tế không xây dựng là 1; số giấy phép đã được quản lý thuế là 773 với tổng số thuế đã thu từ hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân là 6,364 tỷ đồng, đạt 46% so với số giấy phép thực tế có xây dựng.
Ông Đào Ngọc Quang-Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực An Khê-Đak Pơ-Kông Chro-cho biết: “Năm 2021, địa bàn thị xã An Khê có 333 nhà được cấp phép xây dựng. Chi cục đã thực hiện quản lý và thu thuế hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân đối với 333 nhà với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch. Trong 7 tháng đầu năm 2022, địa bàn thị xã có 225 nhà được cấp phép xây dựng, Chi cục đã thực hiện quản lý và thu thuế 197 nhà với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Đối với 28 nhà còn lại đang trong quá trình xây dựng, Chi cục chưa thu thuế”. 
Trao đổi với P.V, ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho rằng: “Trên cơ sở đánh giá sơ bộ kết quả triển khai chuyên đề, Ban lãnh đạo Cục Thuế tỉnh đã yêu cầu các Chi cục Thuế cần tiếp tục bám sát các biện pháp, nội dung cụ thể trong chuyên đề, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để chủ thầu, hộ gia đình, cá nhân nhận thức rõ trách nhiệm tự giác kê khai và nộp thuế theo quy định. Đồng thời, chủ động phối hợp với các phòng chuyên môn tham mưu, đề xuất UBND cấp huyện để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ trong công tác quản lý thuế theo từng địa bàn. Các Chi cục Thuế cũng cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ là căn cứ đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng cán bộ, công chức và lãnh đạo đơn vị”.    
SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm