Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Quản lý vốn nhà nước: Có Ủy ban thì phải khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 30/9, tại Hà Nội, dự Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 2 con đường đối với Ủy ban và tuyên bố chọn con đường thứ nhất...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đại diện một số tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp...
Tại lễ ra mắt, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Nghị định 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Không chọn con đường tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng nhấn mạnh, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế là yêu cầu cơ bản mà Đảng, Nhà nước đặt ra từ lâu.
Việc ra mắt Ủy ban là bước quan trọng để phân biệt rõ hơn, tách bạch hơn giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban trong đổi mới tư duy, đổi mới quản trị, cách thức quản lý, cách thức hoạt động của DNNN, làm sao khắc phục cho được các yếu kém, cải thiện và tạo sự khác biệt lớn về hiệu quả hoạt động của DNNN.
Thủ tướng: Dư luận xã hội đang theo dõi và kỳ vọng rất lớn vào hoạt động của Ủy ban. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Nhấn mạnh vai trò của Ủy ban trong quản lý các doanh nghiệp trọng yếu, then chốt của kinh tế Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta có 2 con đường: Một là xây dựng một Ủy ban chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó thúc đẩy cải cách mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả toàn diện trong toàn bộ hệ thống các tập đoàn, DNNN. Và con đường thứ 2 là con đường tạo ra một cơ quan quan liêu kiểu cũ, có thể làm gánh nặng cho hệ thống doanh nghiệp cũng như của cả đất nước. Hai con đường đó thì chọn đường nào?”. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Chúng ta lựa chọn con đường thứ nhất. “Con đường này khó hơn nhưng tôi tin tưởng tất cả các đồng chí có mặt ở đây hôm nay đều nhất trí lựa chọn con đường này”.
Để thành công trên con đường đã chọn, Thủ tướng đề nghị Ủy ban tập trung một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết, nhanh chóng kiện toàn bộ máy tổ chức theo tinh thần tinh gọn, hiệu quả. Tuyển dụng và bố trí đúng những cán bộ có năng lực, có phẩm chất. Cần xây dựng mục tiêu, chỉ số đánh giá hiệu quả của từng bộ phận, từng cán bộ, từng quy chế nội bộ, không để kẽ hở cho tham nhũng, tiêu cực. Ủy ban cần có thước đo đánh giá kết quả của từng tập đoàn.
Cho biết đã trực tiếp xuống thị sát những nỗ lực ban đầu của Ủy ban trong xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, có định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc với sự hỗ trợ của Viettel, Thủ tướng nêu rõ, bây giờ quản lý không chỉ xuống doanh nghiệp mà qua hệ thống công nghệ thông tin mới là hướng đi đúng. Ủy ban cần hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu của đất nước để nhanh chóng hoàn thiện, đưa vào sử dụng các công cụ, giải pháp quản lý, giám sát vốn, tài sản DNNN, từng tập đoàn, tổng công ty theo công nghệ của cách mạng 4.0. “Chỉ có cách đó thì Ủy ban mới tạo điều kiện, tạo môi trường kinh doanh cho tập đoàn, không gây phiền hà cho đơn vị”.
Ủy ban bổ sung, hoàn thiện chiến lược phát triển cho các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền quản lý nếu thấy cần thiết. Tiếp tục công việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp với tốc độ nhanh hơn, chất lượng hơn.
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đi sâu nghiên cứu phát triển, liên tục nâng cao trình độ công nghệ, năng suất lao động và sức cạnh tranh để từng tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban trở thành hình mẫu trong nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị doanh nghiệp theo các tiêu chí quản trị toàn cầu.
Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Giám sát tình trạng thất thoát vốn nhà nước, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động của DNNN.
Ủy ban cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý và sử dụng vốn nhà nước, quản lý người đại diện, cơ chế chính sách đầu tư vốn nhà nước phù hợp với yêu cầu, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tình hình kinh tế thị trường đang thay đổi rất nhanh.
Trong quá trình hoạt động, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc xây dựng phương án, lộ trình, các công việc cần thiết để tiếp nhận, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty; báo cáo kịp thời Thủ tướng các khó khăn, vướng mắc.
Lễ ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Phải làm cho doanh nghiệp phát triển hơn
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban sau 1 năm hoạt động không chỉ tiến hành sơ kết, tổng kết mà cần đánh giá xem “chúng ta đã làm được những việc gì để góp phần tăng trưởng, giải quyết việc làm, nộp ngân sách Nhà nước và việc quan trọng là vun đắp một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công bằng đối với các thành phần kinh tế”.
Thủ tướng đề nghị các bộ có doanh nghiệp được chuyển giao cần phối hợp với Ủy ban để chuyển giao ngay, không để chậm trễ, phức tạp, sai sót xảy ra, không để khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn Nhà nước, tiến trình cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty.
Cho rằng không phải chuyển giao 19 tập đoàn, tổng công ty về Ủy ban thì vai trò, trách nhiệm của các bộ giảm xuống, Thủ tướng nêu rõ, các bộ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý Nhà nước trong ngành, lĩnh vực của mình để tạo môi trường, không gian hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển thuận lợi.
Đối với các tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển giao về Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu cần phối hợp trong công tác chuyển giao, kịp thời báo cáo Ủy ban những vấn đề, vướng mắc phát sinh. “Các đồng chí là người đại diện trực tiếp tại doanh nghiệp cần nỗ lực nâng cao hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn, tạo việc làm, đóng góp tích cực vào ngân sách và tăng trưởng”, Thủ tướng nói. “Hãy chống tình trạng tham nhũng, tiêu cực, sân trước sân sau, người nhà trong kinh doanh và không để phức tạp xảy ra như một số vụ việc mà chúng ta đã vấp phải”.
Ảnh VGP/Quang Hiếu
Trong lúc chuẩn bị bàn giao, không để khoảng trống, không để tiêu cực xảy ra. Cần học hỏi trên thế giới, họ sử dụng những cơ chế gì hay khuyến khích cơ quan quản lý vốn Nhà nước của họ để từ đó ứng dụng khéo léo trong hoàn cảnh đất nước.
“Kỳ vọng của người dân, xã hội, cả hệ thống chính trị đặt lên vai các đồng chí rất lớn. Là cơ quan mới thành lập, Ủy ban sẽ có rất nhiều công việc phải làm và cũng sẽ có nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ủy ban”, Thủ tướng bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban, mặc dù số lượng cán bộ ban đầu hạn chế, chủ yếu là các cán bộ biệt phái từ một số bộ, ngành và SCIC, nhưng thời gian qua, Ủy ban đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều công việc để đảm bảo sẵn sàng đưa Ủy ban đi vào hoạt động chính thức ngay khi Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban được Chính phủ ban hành.
Ủy ban đã nghiên cứu xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Dự kiến khi tiếp nhận doanh nghiệp, Ủy ban sẽ triển khai kết nối để cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp thường xuyên liên tục.
Tại lễ ra mắt, Ủy ban đã cùng với 5 Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Tài chính ký Biên bản ghi nhớ về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp về Ủy ban.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao quyết định cho bà Nguyễn Thị Phú Hà. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Cũng tại lễ ra mắt, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phú Hà, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổng hợp báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Theo Nghị định, có 7 Tập đoàn và 12 Tổng Công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood), Tổng công ty Lương thực mien Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe).

Đức Tuân (Chinhphu.vn) 

Có thể bạn quan tâm