Xã hội

Đời sống

Quan tâm giúp đỡ nạn nhân da cam/dioxin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) hiện có 225 hội viên nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc 22 chi hội thôn, làng, tổ dân phố và 5 cơ sở hội. Đa số hội viên đều được giải quyết chế độ, chính sách kịp thời, được các cấp, các ngành quan tâm thăm hỏi, động viên. Tuy vậy, đời sống của các hội viên nhìn chung còn gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân hội viên và gia đình đã vượt qua biết bao trở ngại để duy trì cuộc sống.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Đak Đoa Trần Thị Nên đưa chúng tôi đến thăm hỏi cháu Trần Nguyễn Nguyên Trung (tổ 2, thị trấn Đak Đoa). Nạn nhân là con trai của ông Trần Văn Sáng và bà Nguyễn Thị Thúy Nga. Từ lúc sinh ra, Trung đã không may bị teo cơ, dị tật từ nhỏ. Gia đình đưa cháu đi chữa trị nhiều nơi, nhưng bệnh không khỏi. Năm nay 13 tuổi, nhưng Trung chân tay co quắp, không nói rõ, không tự chủ sinh hoạt cá nhân.

Bà Lê Thị Hồng Đào (bà ngoại của Trung) bùi ngùi kể: “Trước ngày giải phóng miền Nam năm 1975, vợ chồng tôi tham gia chiến đấu ở huyện Mang Yang cũ, nay là huyện Đak Đoa. Nơi đây nhiều vùng như Hà Ra, Kon Dơng, Kon Thụp, Kon Chiêng bị Mỹ rải chất độc hóa học mù trời, để lại nhiều di chứng cho người bị ảnh hưởng. Đến đời cháu Trung là thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học của Mỹ. Chúng tôi thường xuyên thay nhau chăm sóc cháu, để ba mẹ cháu còn có thời gian làm lụng”.

Xã Kdang là một trong những địa phương có nhiều nạn nhân da cam/dioxin với 38 hội viên, trong đó có 13 hội viên là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở các làng: Mlăh, Ktăng, Trek, Bla... Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, Nhân dân địa phương, những nạn nhân luôn cố gắng vượt qua khó khăn bệnh tật, nỗ lực học tập, lao động và duy trì các hoạt động, đảm bảo nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Bà Lê Thị Hồng Đào (tổ 2, thị trấn Đak Đoa) chăm sóc cháu Trần Nguyễn Nguyên Trung. Ảnh: Hoàng Cư

Bà Lê Thị Hồng Đào (tổ 2, thị trấn Đak Đoa) chăm sóc cháu Trần Nguyễn Nguyên Trung. Ảnh: Hoàng Cư

Bà Trương Thị Hạnh (SN 1952, thôn Cầu Vàng) cho biết, thời gian gần đây, bà thường xuyên bị đau đầu dữ dội, chân tay run rẩy, nhức mỏi toàn thân. Theo bà, đây là căn bệnh liên quan đến thời gian bà sinh sống và chiến đấu ở Cam Lộ, Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khi đó vào các năm 1970, 1971 và 1972, máy bay của Mỹ oanh tạc và rải hàng trăm tấn chất độc hóa học, làm nhiều đồng đội của bà hy sinh và bị phơi nhiễm.

Trong vòng 10 năm (1961-1971), ước tính quân đội Mỹ đã rải khoảng 80 triệu lít chất khai quang với lượng dioxin lên tới gần 400 kg trên 3 triệu ha, gần bằng 1/4 diện tích của miền Nam Việt Nam. Hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu.

Cảm thông với hoàn cảnh của các nạn nhân, ông Phạm Quyền-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Kdang-cho hay: “Nhiều người đang sống trong thiếu thốn, dù họ không thiếu niềm tin và động lực phấn đấu. Một số người còn nỗ lực vượt lên nghịch cảnh, chăm chỉ làm ăn để xóa đói, giảm nghèo như trường hợp ông Nguyễn Công Phượng, ở thôn Hà Lòng. Ông Phượng là tấm gương cho các hội viên và bà con nơi đây noi theo vì chịu khó làm cà phê, trồng lúa, nuôi heo bò, tiết kiệm chi tiêu nên đã vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Lãnh đạo huyện quán triệt và chỉ đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tích cực tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, hiệu quả chính sách đối với nạn nhân da cam/dioxin. Cùng với đó là nâng cao chất lượng các hoạt động nhân đạo, giúp các nạn nhân giảm bớt phần nào khó khăn, hòa nhập với cộng đồng”.

Có thể bạn quan tâm