Phóng sự - Ký sự

Quan tâm hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng - Kỳ 2: Tạo điều kiện vay vốn sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thời gian qua, lực lượng Công an cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại Gia Lai đã tích cực rà soát, tạo điều kiện hỗ trợ họ được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chính sách nhân văn

Cuối tháng 11-2024, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Lực-người chấp hành xong án phạt tù ở xã Hà Tam, huyện Đak Pơ. Theo anh Lực, hoàn cảnh gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được cán bộ Công an xã Hà Tam tận tình giúp đỡ, anh đã dần hòa nhập cộng đồng, có công việc ổn định với mức lương trung bình 500 ngàn đồng/ngày. Mới đây, anh được chính quyền và Công an xã giới thiệu vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế.

Anh Lực chia sẻ: “Tôi đã phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật của mình. Sau khi trở về, tôi được vay gần 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Số tiền này gia đình đang sử dụng để đầu tư chăn nuôi gia súc. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an đã dành cho mình”.

Anh Đỗ Văn Trung (thôn 1, xã Chư Á, TP. Pleiku) cũng được hỗ trợ vay 70 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Năm 2023, anh Trung chấp hành án phạt 15 tháng tù về tội “Buôn bán hàng cấm”.

Anh tâm sự: “Quá trình làm hồ sơ, thủ tục để vay vốn ngân hàng, tôi được Công an xã và các đơn vị liên quan giúp đỡ rất nhiều. Sau khi tham khảo và được tư vấn từ Công an xã, tôi đã dùng số tiền mua đồ nghề phục vụ tại garage ô tô của gia đình. Tôi rất cảm kích trước sự giúp đỡ của lực lượng Công an. Tôi cố gắng làm ăn để không phụ sự giúp đỡ của mọi người”.

Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Nguyễn Thành Nhân (tổ 9, thị trấn Kbang) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng phục vụ sản xuất. Ảnh: H.T

Thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, lực lượng Công an cơ sở đã tổ chức rà soát số người chấp hành xong án phạt tù còn án tích có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh.

Đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân trên 22 tỷ đồng cho hơn 200 trường hợp được thụ hưởng, trong đó, cơ quan Thi hành án hình sự các cấp đã tích cực tham mưu, phối hợp hướng dẫn làm thủ tục để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 22.

Năm 2024, Công an tỉnh phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng CSXH tỉnh tham mưu HĐND tỉnh cấp ngân sách ủy thác cho vay qua ngân hàng số tiền trên 10 tỷ đồng và được duyệt cấp hơn 8,4 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục tham mưu cấp ngân sách năm 2025 với số tiền 6,52 tỷ đồng để hỗ trợ số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu.

Trung tá Nguyễn Tiến Khánh-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh đã quyết liệt tham mưu ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ, toàn diện Quyết định số 22 đến từng địa phương, ban, ngành, đoàn thể.

Tuy chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng quyết định này nhận được sự ủng hộ rất tích cực của chính quyền các cấp và quần chúng nhân dân, đặc biệt là những người chấp hành xong án phạt tù. Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân kinh phí cho vay, thường xuyên phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra, giám sát việc lựa chọn đối tượng thụ hưởng.

Qua triển khai cho thấy, chính sách hỗ trợ cho vay vốn rất thiết thực, tạo sự phấn khởi và niềm tin của người dân đối với chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện cho người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Thời gian qua, công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn huyện Đak Đoa được triển khai một cách đồng bộ, trong đó, Công an huyện đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho chính quyền và phối hợp với các ban, ngành chức năng trong tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù. Đã có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả cao, từ đó giúp những người lầm lỗi nhanh chóng rũ bỏ mặc cảm, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Bùi Thanh Bình-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Để công tác giúp đỡ đạt hiệu quả cao, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Đak Đoa thường xuyên sâu sát, chỉ đạo các đơn vị chức năng và hệ thống chính trị ở cơ sở cùng tích cực vào cuộc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

Trong đó, Công an huyện giữ vai trò chủ công, nòng cốt. Tôi cho rằng, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đã luôn gương mẫu, thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể nhằm giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù sớm hoàn lương, ổn định cuộc sống. Trên địa bàn huyện đã có nhiều cách làm hay, mô hình phát huy hiệu quả cao, có sức lan tỏa mạnh mẽ”.

Công an Gia Lai và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh ký kết chương trình phối hợp triển khai thực hiện tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Ảnh: H.T

Đến nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân cho 256 người chấp hành xong án phạt tù vay 22,05 tỷ đồng để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Một số huyện có kết quả giải ngân cao như: Ia Grai 3,1 tỷ đồng, Đak Đoa 2,6 tỷ đồng, Kbang 2,29 tỷ đồng, Chư Prông 1,8 tỷ đồng, Phú Thiện 1,14 tỷ đồng.

Trên cơ sở tham mưu của lực lượng Công an, chính quyền các địa phương đã tổ chức thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù. Trong đó, Công an tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong quá trình cải tạo; tổ chức tập huấn công tác tái hòa nhập cộng đồng cho các lực lượng thực hiện công tác này trên toàn tỉnh; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên tổ chức gặp mặt, động viên người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương vào dịp Tết cổ truyền.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh-cho biết: “Ngay sau khi Bộ Công an và Ngân hàng CSXH phối hợp triển khai Quyết định số 22, Chi nhánh đã chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã khẩn trương phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát các đối tượng có nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện để tiến hành giải ngân kịp thời.

Đây là chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, được xem là cánh cửa mở ra một cuộc đời mới cho những người lầm đường, lỡ bước, giúp họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng”.

Có thể bạn quan tâm