Ẩn sâu giữa cánh rừng già nguyên sinh ở xã Krong, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) là quần thể giáng hương cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Theo thống kê năm 2019, toàn vùng có khoảng hơn 400 cây giáng hương quý hiếm phân bố rải rác trên 27 khoảnh ở 7 tiểu khu do Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa quản lý. Những cây cổ thụ đường kính từ 35cm đến hơn 1,4m có tuổi đời lên đến vài trăm năm, tạo nên một quần thể sinh thái vô cùng quý giá.
Để bảo vệ hơn 400 cây gỗ hương quý khỏi bàn tay của lâm tặc, những người giữ rừng nơi đây luôn phải trắng đêm để canh giữ từng tấc rừng, từng gốc cây. "Mỗi đêm, chúng tôi đều phải thay nhau chia ca, người ngủ, người thức để canh chừng. Hễ nghe tiếng động lạ, anh em lại bật dậy lên rừng trong đêm để kiểm tra. Giấc ngủ trọn vẹn là điều xa xỉ với những người gác rừng", Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa Nguyễn Văn Chim chia sẻ nỗi trăn trở.
Ông Hồ Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa, khẳng định tất cả các cây giáng hương ở đây đều mọc tự nhiên. Qua rà soát, đơn vị ghi nhận những cây có kích thước lớn đáng kinh ngạc, cho thấy sự quý hiếm và giá trị đặc biệt của khu rừng này. Những cánh rừng hương tập trung nhiều nhất ở làng Vir (hơn 250 cây) và làng H’ro (khoảng 40 cây) là nguồn tài nguyên quý giá trong việc bảo tồn nguồn gen và đa dạng sinh học.
Cách làng Vir khoảng 2km, chốt Quản lý bảo vệ rừng Tơ Nang đang gánh vác trách nhiệm bảo vệ hơn 1.500 ha rừng tự nhiên, trong đó có 256 cây giáng hương. Do có quần thể cây hương dày nên 4 nhân viên bảo vệ rừng của chốt luôn phải căng mình bảo vệ. Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa Nguyễn Văn Chim cho biết: Gỗ giáng hương thuộc nhóm I, đặc biệt Hương Kbang có đường kính lớn, mùi thơm dịu nhẹ và vân gỗ tuyệt đẹp. Giá trị thị trường của mỗi cây có thể lên đến vài tỷ đồng. Với số lượng và kích thước như vậy, rừng hương Kbang có thể nói là độc nhất vô nhị.
Theo chân những người bảo vệ rừng mục sở thị mới tận mắt thấy hết được sự bao la, hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh đặc hữu. Chính vì có giá trị bạc tỷ, nên những cây giáng hương luôn là "miếng mồi" béo bở của lâm tặc. Chúng không từ thủ đoạn nào, từ đổ thuốc độc để bức tử cây đến sử dụng cưa máy xẻ thân, chặt cành. Để đối phó với sự tinh vi và manh động của lâm tặc, những người bảo vệ rừng đã bố trí chốt chặn ở những con đường độc đạo và tăng cường phối hợp với người dân được giao khoán rừng cùng chung tay bảo vệ. Anh Dương Tuấn Anh, Chốt trưởng chốt Tơ Nang, cho biết, do thị trường ưa chuộng gỗ hương nên lâm tặc luôn rình rập tìm mọi cách khai thác. Điển hình như trước năm 2021, nhiều cây bị đốn hạ, thậm chí còn bị đổ thuốc độc để làm chết cây. Hiện nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của công an và các cơ quan chức năng nên tình hình đã được cải thiện đáng kể.
Cuộc sống của những người giữ rừng quanh năm gắn với những căn lán tạm bợ giữa rừng sâu, thiếu sóng điện thoại, lương thực chủ yếu là mì gói, cá khô và rau rừng. Hôm nào chịu khó đi xa giăng lưới mới có được bữa cơm cải thiện thêm món cá suối. Tuy vất vả là vậy, song khó khăn hơn cả vẫn là việc bảo vệ những cây Hương đã bị ngã đổ, do quy định bắt buộc phải giữ nguyên hiện trạng, không thể đưa về bảo quản nên rất lãng phí và tạo thêm áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng.
Ông Vũ Quang Sáng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết: Ngoài việc tham mưu cho các ngành chức năng, đơn vị còn yêu cầu các chủ rừng tăng cường đấu tranh phòng chống lâm tặc và rà soát các đối tượng có biểu hiện vi phạm. Rừng hương là tài sản quý vì vậy công tác tuần tra, kiểm soát luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với các hành vị xâm hại sẽ bị xử lý nghiêm.
Để những cánh rừng giáng hương trăm tuổi mãi xanh tươi, vươn mình giữa đại ngàn, công lao của những người bảo vệ rừng là rất lớn. Dù phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy và những đêm thức trắng, song với họ trách nhiệm cao cả là làm sao bảo vệ được "kho báu" vô giá này cho thế hệ mai sau.
Theo Hoài Nam – Xuân Huy (TTXVN)