Xã hội

Lao động - Việc làm

Quan tâm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiếu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, các ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh Gia Lai đang tập trung giải quyết việc làm để tăng thu nhập cho người dân.

Bà Huỳnh Thị Tư-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phú Thiện-cho biết: Huyện có trên 75.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 86,06% dân số, trong đó có khoảng 28% lao động chưa qua đào tạo, không có việc làm ổn định. Trước thực trạng đó, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Phòng cũng chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khảo sát, điều tra chất lượng nguồn nhân lực, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nhiều lao động ở xã Ia Kla (huyện Đức Cơ) thu nhập ổn định từ nghề xây dựng. Ảnh: Đ.Y

Nhiều lao động ở xã Ia Kla (huyện Đức Cơ) thu nhập ổn định từ nghề xây dựng. Ảnh: Đ.Y

Cuối năm 2020, chồng chị Đinh HNai (buôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) đi làm việc tại Đài Loan. Với mức thu nhập 18-20 triệu đồng/tháng, chồng chị đã tiết kiệm chi tiêu và chuyển về 12-15 triệu đồng/tháng để gia đình trả nợ ngân hàng và trang trải cuộc sống. “Ngoài trả nợ ngân hàng, mình còn mua thêm 3 con bò sinh sản về nuôi. Hiện tại, gia đình sở hữu đàn bò 11 con. Đến tháng 4-2024, chồng mình hết hạn hợp đồng làm việc ở Đài Loan. Lúc đó, mình sẽ bán một số con bò để gom tiền làm nhà mới”-chị HNai chia sẻ.

Theo ông Siu Tinh-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, từ đầu năm 2023 đến nay, xã có 14 lao động đi làm việc ở Đài Loan với mức thu nhập 18-20 triệu đồng/tháng. Đây là cơ hội tốt cho lao động nông thôn. Bởi đi làm việc ở nước ngoài không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn là cơ hội để người lao động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Sau khi hết hạn lao động về nước, người lao động có cơ hội tìm việc làm mới hoặc có vốn tự mở cơ sở sản xuất kinh doanh. Trên địa bàn xã hiện có 5 nhà máy gạch có nhu cầu tuyển dụng hàng trăm lao động phổ thông mỗi năm. Xã thường xuyên phối hợp với các nhà máy tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân. Qua đó, nhiều lao động đã tìm được việc làm với mức thu nhập 5-9 triệu đồng/tháng.

Trước đây, cuộc sống gia đình anh Rơ Mah Manh (làng Chư Bồ 1, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào việc làm thuê. Với mong muốn có được một nghề nghiệp ổn định, năm 2021, anh Manh đăng ký học lớp sơ cấp kỹ thuật xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện. Anh Manh chia sẻ: “Kết thúc khóa học nghề, tôi đã đứng ra thành lập tổ xây dựng, nhận thầu một số công trình nhỏ trên địa bàn. Nhờ uy tín nên tổ làm không hết việc. Anh em thợ có nguồn thu nhập ổn định 9-10 triệu đồng/tháng”.

Chị Đinh H’Nai (giữa; buôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) trao đổi cùng cán bộ ngân hàng khảo sát hiệu quả nguồn vốn vay lao động đi làm việc ở Đài Loan. Ảnh: Đinh Yến

Chị Đinh H’Nai (giữa; buôn Chư Wâu, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) trao đổi cùng cán bộ ngân hàng khảo sát hiệu quả nguồn vốn vay lao động đi làm việc ở Đài Loan. Ảnh: Đinh Yến

Những năm qua, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Đức Cơ đã tập trung triển khai đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động người DTTS. Ông Tăng Ngọc Trai-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đức Cơ-cho hay: Từ năm 2023 đến nay, Phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 6 lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng, bình quân 30 học viên/lớp. Các nghề đào tạo gồm: xây dựng, lắp đặt và sửa chữa điện nội thất, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng và chăm sóc cây cà phê, trồng rau an toàn, trồng và chăm sóc lúa, trồng nấm… Hầu hết lao động người DTTS sau đào tạo đều có thể vận dụng kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường việc làm; phân bổ, sử dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn. Mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 7-8 ngàn lao động, trong đó có 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm