Giáo dục

Tin tức

Quan tâm xây dựng môi trường dạy học và sử dụng ngoại ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đến nay, việc xây dựng và phát triển môi trường dạy học, sử dụng tiếng Anh trong trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua những hoạt động thiết thực, phong trào dạy và học ngoại ngữ được lan tỏa sâu rộng, thu hút đông đảo học sinh tham gia. 
Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh
Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Kbang) là điển hình trong lĩnh vực này. Theo Phó Hiệu trưởng Trần Thị Hường, nhà trường đã triển khai chương trình làm quen tiếng Anh đối với học sinh lớp 1 và 2; học sinh lớp 3, 4, 5 được học 4 tiết/tuần để nâng cao chất lượng học tập. 100% học sinh khu vực trung tâm tham gia chương trình tiếng Anh hệ 10 năm. Cơ sở vật chất dần được đầu tư đúng mức, có bảng tương tác thông minh, có phòng học chức năng đáp ứng nhu cầu dạy và học ngoại ngữ. 
Cô Hường cho hay: Nhà trường luôn chú trọng xây dựng môi trường học tập ngoại ngữ thân thiện, đa dạng, phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các sân chơi thú vị và bổ ích như: Ngày hội tiếng Anh, giao lưu tiếng Anh, Rung chuông vàng bằng tiếng Anh, thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh, hát múa bằng tiếng Anh trên sân trường, sinh hoạt ngoài trời với các trò chơi tiếng Anh vào 15 phút đầu giờ; thi IOE tiếng Anh cấp trường... Đồng thời, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên dạy tiếng Anh nói riêng và giáo viên trong trường nói chung tự học thêm ngoại ngữ để có thể dạy môn của mình bằng ngoại ngữ theo lộ trình. Qua sơ kết đánh giá hàng năm, việc dạy và học tiếng Anh trong nhà trường đã có tiến bộ rõ rệt; chất lượng học tập của học sinh được cải thiện. Giáo viên đầu tư soạn giảng, dạy học trên bảng tương tác và giáo án điện tử đạt hiệu quả.
Giờ học tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Kbang) luôn có sự tương tác sôi nổi. Ảnh: Mộc Trà
Giờ học tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Kbang) luôn có sự tương tác sôi nổi. Ảnh: Mộc Trà
“Đến trường, chúng em vừa học vừa tham gia các trò chơi, múa hát, nói chuyện, chào hỏi bằng tiếng Anh. Em và các bạn đều cảm thấy rất vui, tự tin hơn và ngày càng thích học ngoại ngữ”-em Nguyễn Thảo Vân (lớp 5A) hào hứng nói.
Tiếng Anh là môn học khó đối với học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh. Thấu hiểu được điều đó, những năm qua, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Đức Cơ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp học sinh nâng cao năng lực về ngoại ngữ. Em Rơ Mah Nguyễn Thanh Thảo (lớp 9B) chia sẻ: “Ngoài thời gian trên lớp, chúng em còn được thầy cô hướng dẫn, tạo điều kiện tốt nhất để rèn luyện và phát huy các kỹ năng tiếng Anh cơ bản, đặc biệt là nghe-nói trong những giờ tự học vào buổi tối hay các hoạt động ngoại khóa. Thông thường, chúng em sẽ giao tiếp giữa 2 người với nhau hoặc theo nhóm, bắt đầu với những câu chào hỏi, câu lệnh trong học tập, từ mới… Thầy cô sẽ lắng nghe, giúp đỡ, động viên chúng em mạnh dạn phát âm lại nếu sai. Nhờ đó, khả năng giao tiếp tiếng Anh của em được cải thiện hơn rất nhiều”.
Thầy Hồ Minh Thể-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, chúng tôi luôn cố gắng tạo cho học sinh một môi trường học tập ngoại ngữ thoải mái và vui vẻ nhất. Tiếng Anh được giáo viên sử dụng trong suốt tiết học của bộ môn này nhằm tạo môi trường và thói quen sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp cho học sinh; khuyến khích các em tham gia phát biểu, chú trọng giúp đỡ những em có năng lực ngoại ngữ còn hạn chế. Nhà trường cũng xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức nhiều cuộc thi, hoạt động ngoại khóa bằng tiếng Anh, thu hút đông đảo học sinh tham gia. 
Xây dựng trường học điển hình về ngoại ngữ
Theo ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục xây dựng môi trường ngoại ngữ hiệu quả hơn, Sở đã chọn 9 trường phổ thông (mỗi bậc học có 3 trường) ở các khu vực khác nhau trên địa bàn tỉnh để xây dựng trường học điển hình về môi trường ngoại ngữ trong năm 2021. “Hiện tại, hầu hết các trường được lựa chọn đã xây dựng các câu lạc bộ tiếng Anh; trang trí lớp học và không gian học tập, vui chơi tại nhà trường bằng tiếng Anh; tổ chức lễ phát động phong trào học tiếng Anh tại đơn vị. Các đơn vị cũng đã có kế hoạch tổ chức những hoạt động liên trường, dạy và học tiếng Anh giao tiếp trong nhà trường trong thời gian tới”-ông Long thông tin.
Là một trong những đơn vị được chọn để xây dựng trường học điển hình về môi trường ngoại ngữ, Trường THCS Nghĩa Hưng (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đã xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Thầy Nguyễn Chiến Thắng-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Chúng tôi đã đầu tư một phòng học ngoại ngữ riêng với đầy đủ trang-thiết bị cần thiết, đồng thời đề ra chương trình hoạt động theo từng tháng với nội dung đa dạng, phong phú. Điển hình như: tổ chức lễ phát động phong trào học tiếng Anh; xây dựng Câu lạc bộ Tiếng Anh; trang trí phòng học bộ môn Tiếng Anh; biên soạn, thiết kế tạp chí bằng tiếng Anh; tổ chức Ngày tiếng Anh hàng tuần; thi Rung chuông vàng, hùng biện bằng tiếng Anh… Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học tỉnh trong việc dạy học tiếng Anh giao tiếp với người bản ngữ, hỗ trợ kỹ năng nghe-nói cho học sinh. Thầy và trò đang cố gắng phấn đấu đạt trường THCS điển hình cấp tỉnh về môi trường ngoại ngữ vào cuối năm nay.
Lễ phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng phát triển môi trường dạy học và sử dụng tiếng Anh năm 2021 (ảnh chụp trước tháng 5-2021). Ảnh: Mộc Trà
Lễ phát động phong trào học tiếng Anh, xây dựng phát triển môi trường dạy học và sử dụng tiếng Anh năm 2021 (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Mộc Trà
Để tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh tiếp cận với chuẩn tiếng Anh quốc tế, Sở GD-ĐT cũng triển khai cho các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh phối hợp hỗ trợ những trường học điển hình trong việc xây dựng môi trường ngoại ngữ. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh-Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học tỉnh-cho biết: Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp sát với đối tượng học sinh của từng trường nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Chương trình dạy bám theo các nội dung của sách giáo khoa, trong đó tập trung phát triển 2 kỹ năng giao tiếp là nghe và nói cho học sinh. Các em sẽ được học 2 tiết/tuần với giáo viên bản ngữ, dưới sự trợ giảng của 1 giáo viên tiếng Anh người Việt. Ngoài ra, trong quá trình học tập sẽ lồng ghép thêm các hoạt động ngoại khóa chung tại lớp, toàn trường và liên trường nhằm tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh phát triển kỹ năng phản xạ giao tiếp tiếng Anh. Khó khăn là hiện nay, một số trường vẫn phải dạy học trực tuyến để phòng-chống dịch Covid-19. Vì thế, chúng tôi vẫn chưa triển khai được hết các hoạt động theo lộ trình.
“Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường các hoạt động xây dựng môi trường ngoại ngữ trong nhà trường theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Tiếp tục mở rộng các mô hình trường học điển hình về xây dựng và phát triển môi trường dạy học, sử dụng tiếng Anh trên toàn tỉnh. Tổ chức và duy trì các hoạt động xây dựng môi trường ngoại ngữ cấp tỉnh nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, giáo viên và người học tiếng Anh có cơ hội giao lưu, vui chơi, hỗ trợ việc học tập và phát triển kỹ năng ngôn ngữ. Đặc biệt, Sở sẽ duy trì và phát huy mọi nguồn lực để đóng góp vào phong trào dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm