Du lịch

Quảng bá du lịch, cần những ý tưởng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần đây, núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah), đồi cỏ hồng ở xã Glar (huyện Đak Đoa) trở thành một hiện tượng khi thu hút hàng ngàn lượt người đến chiêm ngưỡng. Nói hiện tượng là bởi từ trước tới nay, ở Gia Lai chưa từng có địa chỉ du lịch nào, chưa có danh thắng nào-dù nổi tiếng và được công nhận danh thắng quốc gia-lại thu hút người dân đến tham quan đông đảo như thế. Do đâu lại có hiện tượng này?

Chỉ vài bức ảnh chụp núi lửa Chư Đăng Ya rực rỡ hoa vàng hay đồi cỏ hồng bát ngát ở Glar được đăng trên trang facebook cá nhân của một số người. Cảnh đẹp này sau đó nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt và tiếp cận hàng ngàn người. Chỉ cần một cái nhấp “like” hay “chia sẻ” lập tức hàng trăm, hàng ngàn người có thể tiếp cận hình ảnh, thông tin. Trước sự cám dỗ của cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng mỗi năm chỉ một mùa, mỗi mùa chỉ có một thời gian nhất định này, dân tình mách nhau và ùn ùn kéo tới ngắm hoa, ngắm cỏ và chụp ảnh đưa lên trang facebook cá nhân. Từ hiện tượng này lại nghĩ đến cách quảng bá du lịch ở ta. Đã đến lúc cần xem mạng xã hội như một kênh quảng bá du lịch hiệu quả bởi tiện ích và tốc độ tiếp cận người dùng một cách nhanh chóng với chi phí thấp nhất. 

 

Núi lửa Chư Đăng Ya đón hàng ngàn lượt người tới ngắm cảnh trong mùa hoa dã quỳ. Ảnh: H.N
Núi lửa Chư Đăng Ya đón hàng ngàn lượt người tới ngắm cảnh trong mùa hoa dã quỳ. Ảnh: H.N

Mỗi năm, Gia Lai tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ cho quảng bá du lịch. Nhưng ngành Du lịch của tỉnh vẫn chỉ loay hoay với những cách quảng bá cũ là phát tờ rơi, trưng bày hình ảnh, phát các ấn phẩm, thỉnh thoảng có thêm một vài sự kiện văn hóa, du lịch… Cách quảng bá này có phần lạc hậu, thiếu sức hấp dẫn. Chưa kể, mấy năm nay, quanh những tờ rơi và ấn phẩm quảng bá du lịch của tỉnh, không hề có điểm đến mới nào được bổ sung. Mặc dù ngành Du lịch có những đợt khảo sát các điểm đến mới nhưng sau đó im hơi lặng tiếng, không có chiến lược quảng bá, giới thiệu hình ảnh nào đến người dân lẫn du khách.

Theo chúng tôi, ngành Du lịch cần có những ý tưởng, đổi mới và sáng tạo trong cách quảng bá. Trong đó, cần quan tâm đến một kênh thông tin hiệu quả là mạng xã hội. Một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của mạng xã hội khi mới đây, từ những clip “làm chơi” về đất và người Gia Lai của những bạn trẻ yêu vùng đất này đăng tải trên facebook, đã nhanh chóng thu hút hàng chục ngàn lượt người xem và chia sẻ. Đó là clip “Pleiku tôi yêu” của Phan Nguyên-P.V Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai. Đến nay, clip này đã thu hút trên 62 ngàn lượt người xem và chia sẻ. Hay clip về những cảnh đẹp tuyệt mỹ của Gia Lai nhìn từ trên cao của anh Phạm Hiển (TP. Pleiku) đã thu hút gần 20 ngàn lượt người xem và chia sẻ chỉ trong một thời gian ngắn. Không ít người đã dành những lời trầm trồ trước cảnh đẹp tuyệt mỹ của Gia Lai. Không chỉ vậy, một Gia Lai vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc văn hóa hiện lên sống động, ấn tượng, chân thực đã tác động mạnh mẽ đến cảm xúc của người xem.

Thiết nghĩ, ngành Du lịch có thể thực hiện những clip tương tự trong chiến dịch quảng bá du lịch, vừa giới thiệu vùng đất giàu bản sắc văn hóa, những danh thắng tuyệt mỹ, vừa truyền đi thông điệp du lịch về vùng đất thân thiện, mến khách qua mạng xã hội. Cách quảng bá này tiếp cận người dân một cách hiệu quả với chi phí không lớn.  

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm