Xã hội

Đời sống

Quầng mặt trời liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, có bất thường?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian gần đây, hình ảnh quầng mặt trời liên tục xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương và mới nhất là Đà Nẵng được chia sẻ ào ạt trên mạng xã hội. Hiện tượng này có bất thường?

"Bầu trời lạ quá!"

Mới đây, anh Đặng Thanh Tùng (ngụ Hải Phòng) đang ở trong nhà thì được người thân nhắn tin thông báo rằng trên bầu trời xuất hiện hào quang bao quanh mặt trời. Vì tò mò, giữa trưa, anh ra xem và ghi lại khoảnh khắc quầng sáng xung quanh mặt trời rồi chia sẻ lên mạng xã hội với dòng trạng thái: "Bầu trời lạ quá!".

Quầng mặt trời do anh Tùng chụp lại

Quầng mặt trời do anh Tùng chụp lại

Hình ảnh chụp lại quầng mặt trời của anh Tùng nhanh chóng được chia sẻ ào ạt khắp các trang mạng xã hội thời điểm đó khiến anh có phần bất ngờ. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên chàng trai chứng kiến hiện tượng này nên không lấy làm lạ.

"Có thể quầng mặt trời với đủ màu sắc như cầu vồng bao quanh mặt trời xuất hiện vào dịp lễ Phật đản, nên nhiều người quan tâm. Tuy nhiên nhiều người cũng lo ngại hiện tượng này báo hiệu thời tiết cực đoan", anh bày tỏ.

Bầu trời miền Bắc xuất hiện hào quang kỳ ảo, chuyên gia nói gì?

Từ Hà Nội ra Hải Phòng đi công việc vào tuần trước, anh Tường cho biết hơn 11 giờ trưa, trong lúc đang đi tìm quán ăn thì bất ngờ thấy mọi người nhìn lên trời, lấy điện thoại ra chụp hình. Tò mò, chàng trai cũng nhìn lên và bất ngờ phát hiện quầng mặt trời.

Đây là lần đầu tiên anh Tường trực tiếp thấy hiện tượng này lên vô cùng hào hứng, cũng có phần tò mò không biết nguyên nhân vì sao. Lên mạng xã hội, chàng trai cũng thấy nhiều người chứng kiến hiện tượng này giống mình.

“Quầng sáng quanh mặt trời xuất hiện trong khoảng 30 phút, sau đó dần biến mất. Không biết nó có báo hiệu hiện tượng nào không", anh bày tỏ.

Hôm 25.5, hình ảnh quầng mặt trời xuất hiện trên bầu trời Đà Nẵng cũng được nhiều trang mạng xã hội chia sẻ. Nhiều người cho rằng hiện tượng này báo hiệu mưa dông sẽ xuất hiện nơi có quầng mặt trời và các vùng lân cận. Liệu có bất thường?

Điều gì tạo nên quầng sáng quanh mặt trời hay mặt trăng?

Dẫn nguồn từ Earth Sky, Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết các nhà khoa học gọi đó là quầng sáng 22 độ. Sở dĩ nó có tên như vậy là vì bán kính của vòng sáng này luôn xấp xỉ bằng 22 độ.

“Những bức ảnh chụp lại quầng sáng đều có bầu trời khá trong xanh và bạn có thể nhìn thấy mặt trời hay mặt trăng một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nó thường xuất hiện trước cơn bão và là dấu hiệu của những đám mây ti tầng mỏng ở độ cao 6 km trở lên ở phía ngay trên chúng ta.

Những đám mây này chứa hàng triệu tinh thể băng nhỏ. Quầng sáng mà bạn nhìn thấy là sự kết hợp của hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng khi chúng đi qua các tinh thể băng này", Earth Sky thông tin.

Quầng mặt trời có thể là dự báo của mưa giông sắp tới

Quầng mặt trời có thể là dự báo của mưa giông sắp tới

Chuyên gia cho biết quầng mặt trời là một hiện tượng thú vị, tuy nhiên hãy cẩn thận khi quan sát và chụp ảnh nó. Việc hướng tầm nhìn trực tiếp vào mặt trời mà không có thiết bị hỗ trợ đi kèm có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt. Đừng bao giờ nhìn thẳng vào mặt trời, ngay cả khi nó ít sáng hơn qua mây hoặc sương mù.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) nhận định quầng mặt trời thường xảy ra khi tầng cao của khí quyển xuất hiện nhiều mây ti tầng. Những đám mây này là báo hiệu của nhiễu loạn khí quyển, thường là kết quả của mưa giông vừa qua hoặc báo hiệu mưa giông sắp tới.

Cũng theo ông Anh Tuấn, việc quầng mặt trời xuất hiện liên tục ở các tỉnh thành Việt Nam không phải là hiện tượng bất thường, bởi hiện tượng này thường thấy khi đến mùa mưa bão. “Với sự phát triển của mạng xã hội, hình ảnh nhanh chóng được chia sẻ nên những năm gần đây mới thu hút sự quan tâm lớn", ông Tuấn nói thêm.

Có thể bạn quan tâm