Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quảng Ngãi: Nộp tiền mua đất nhưng 30 năm chưa được cấp đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nộp tiền mua đất khu dân cư, nhưng đã 30 năm nay, 28 hộ dân tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp đất.
Khu vực được UBND xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi thông báo xây dựng Khu dân cư Đồng Cây Quen. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Khu vực được UBND xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi thông báo xây dựng Khu dân cư Đồng Cây Quen. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Nộp tiền mua đất khu dân cư, nhưng đã 30 năm nay, 28 hộ dân tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được chính quyền địa phương cấp đất.

Cuối năm 1993, Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Đông thông báo công khai trong nhân dân về việc làm khu dân cư Đồng Cây Quen, người dân có nhu cầu mua đất ở thì đăng ký và nộp tiền. Mỗi lô đất có giá từ 1-1,5 triệu đồng.

Đồng Cây Quen là một khu đất ruộng nằm bên Quốc lộ 24B, tại thôn Đồng Nhơn Bắc, xã Tịnh Đông do Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông quản lý.

Nhận thấy vị trí địa lý khu dân cư “tương lai” phù hợp, ông Nguyễn Hồng Sơn (70 tuổi, xã Tịnh Đông), đã đăng ký mua đất.

“Hồi đó, gia đình tôi gom góp được 3 chỉ vàng, nên tôi bàn với vợ bán vàng mua đất để sau này các con lập gia đình còn có chỗ ở. Nhưng chờ đến giờ chính quyền vẫn chưa giao đất,” ông Sơn nói.

Theo văn bản số 1769/KL-UBND, ngày 26/9/2023 của Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh, Kết luận thanh tra về việc Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Đông tiếp nhận tiền đóng góp của các hộ dân để giao đất tại Khu dân cư Đồng Cây Quen như sau: “Có 28 hộ dân đăng ký, trong đó có 27 hộ đã nộp tiền cho Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông để mua đất tại khu dân cư trên.

Tuy nhiên, hiện chỉ có 18 trường hợp cung cấp được phiếu thu tiền với tổng số tiền là 21,5 triệu đồng; 9 trường hợp nộp tiền cho Ủy ban Nhân dân xã nhưng không có giấy tờ chứng minh; 1 trường hợp được “chỉ” đất, nhưng không thu tiền.

Trên các phiếu thu và giấy nhận tiền thể hiện nội dung “Thu đóng góp đất Cây Quen,” “Thu lệ phí đất ở khu quy hoạch xứ đồng Cây Quen,” “Phí và đền bù đất Cây Quen,” “Thu tạm ứng mượn tiền đất Cây Quen,” “Thu tạm vay tiền đất Cây Quen”...

Người dân bức xúc khi đã 30 năm nhưng khu vực này vẫn là đất ruộng. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Người dân bức xúc khi đã 30 năm nhưng khu vực này vẫn là đất ruộng. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Văn bản này cũng cho biết, đến cuối năm 1995, Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Đông mời 28 hộ dân trên đến họp và thông báo thời điểm này chưa giao đất ở cho các hộ dân được, chỉ giao đất ruộng, khi nào hình thành khu dân cư thì sẽ phân lô và giao.

Sau đó, ông Lê Xô (cán bộ địa chính xã thời điểm đó) đã dẫn các hộ dân đến khu Đồng Cây Quen để “chỉ” đất ruộng cho các hộ dân canh tác. Tuy nhiên, việc giao đất này không có biên bản giao đất.

Bà Nguyễn Thị Thu Thúy (xã Tịnh Đông) cho hay, thấy Ủy ban Nhân dân xã ra thông báo công khai, người thu tiền là thủ quỹ của xã, phiếu thu cũng có dấu cơ quan chức năng nên bà yên tâm nộp 1 triệu đồng để mua đất.

“Đề nghị chính quyền địa phương phải có chính sách giao đất để chúng tôi làm nhà ở. Chúng tôi không đồng ý nhận lại tiền, vì 1 triệu đồng lúc đó rất to, nó là cả gia tài,” bà Thúy đề nghị.

Giấy mời hộ dân đến làm thủ tục cấp đất ở của UBND xã Tịnh Đông. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Giấy mời hộ dân đến làm thủ tục cấp đất ở của UBND xã Tịnh Đông. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Tuy nhiên, khi tờ trình chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Đông vẫn thu tiền từ nhân dân.

“Việc các hộ dân ở xã Tịnh Đông nộp tiền mua đất tại khu vực Đồng Cây Quen trong giai đoạn 1994-1995 là có thật. Tuy nhiên sau khi kiểm tra các văn bản, chúng tôi không có cơ sở để xây dựng khu dân cư cũng như giao đất cho người dân,” ông Viên cho hay.

Theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh, việc làm của Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông giai đoạn lúc bấy giờ là trái thẩm quyền.

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông chỉ thu tiền chứ không triển khai thực hiện dự án, không có giấy tờ giao đất cho nhân dân. Do đó, không có cơ sở xác định việc Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông giai đoạn 1994-1995 cấp đất trái thẩm quyền.

“Theo kết quả làm việc với các ông, bà nguyên là cán bộ, công chức của Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông thời điểm đó, số tiền thu được đã chi phục vụ cho hoạt động của Ủy ban Nhân dân xã Tịnh Đông. Tuy nhiên chứng từ chi hiện nay không còn nên không có cơ sở xác định đúng, sai,” Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh Nguyễn Mạnh Cường cho biết.

Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tịnh, để xảy ra sai phạm nêu trên trước hết thuộc về tập thể Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông giai đoạn 1994 - 1995.

Giấy nộp tiền của người dân. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Giấy nộp tiền của người dân. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Trong đó, người chịu trách nhiệm trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, công chức địa chính và công chức kế toán của xã; đồng thời cũng có một phần trách nhiệm của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân xã.

Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã lâu nên đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật, đồng thời một phần do tập thể cán bộ Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông trước đây đã nghỉ chế độ, có người đã mất, do vậy không xem xét xử lý kỷ luật.

“Đối với 18 trường hợp có phiếu thu tiền, Ủy ban Nhân dân huyện giao xã Tịnh Đông thông báo với các hộ dân đến làm việc để hoàn trả số tiền thu trái quy định theo quy định tại Khoản 8, Điều 65, Luật Ngân sách năm 2015.

Trường hợp các hộ dân không đồng ý với việc trả tiền của Ủy ban nhân dân xã Tịnh Đông thì có quyền khởi kiện đến Tòa án Nhân dân huyện. Còn các trường hợp khác, nếu người dân không tìm được chứng cứ chứng minh đã nộp tiền cho Ủy ban nhân dân xã thì không xem xét, xử lý,” Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tịnh Nguyễn Mạnh Cường cho hay.

Có thể bạn quan tâm