Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Quảng trường Đại Đoàn Kết: Dấu ấn 10 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 17-1 đến 10-2, Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Quảng trường Đại Đoàn Kết-10 năm đi vào hoạt động” trong khuôn viên của đơn vị. Đây là một cách để nhắc nhớ về sự kiện chính trị, văn hóa có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh nhà.

125 bức ảnh, tư liệu về Quảng trường Đại Đoàn Kết được trưng bày dưới những hàng cây xanh mát trong khuôn viên của Bảo tàng tỉnh. Ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh-cho hay: “Trong không khí cả nước lập thành tích mừng Xuân Quý Mão 2023, kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2023) và kỷ niệm 10 năm thành lập Quảng trường Đại Đoàn Kết, Bảo tàng tỉnh tổ chức triển lãm ảnh với chuyên đề “Quảng trường Đại Đoàn Kết-10 năm đi vào hoạt động” nhằm giới thiệu đến người dân và du khách những nét khái quát nhất về quá trình xây dựng và hoạt động của nơi này trong suốt 10 năm qua”.

Đông đảo người dân tham quan triển lãm ảnh với chủ đề “Quảng trường Đại Đoàn Kết-10 năm đi vào hoạt động”. Ảnh: Phương Linh

Đông đảo người dân tham quan triển lãm ảnh với chủ đề “Quảng trường Đại Đoàn Kết-10 năm đi vào hoạt động”. Ảnh: Phương Linh

Theo ông Tuấn, để chuẩn bị cho triển lãm, cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh đã dành thời gian hơn 1 tháng để sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Quảng trường từ báo chí, các nhiếp ảnh gia cũng như trong cộng đồng. Triển lãm được chia thành 3 khu vực gắn với từng chặng đường phát triển của “trái tim” thành phố. Mở đầu là những bức ảnh, tư liệu giới thiệu khái quát quá trình hình thành Quảng trường Đại Đoàn Kết. Đó là những cuộc họp, những buổi làm việc để phác thảo nên khung cảnh Quảng trường cũng như Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên, bức phù điêu. Ở phần trưng bày này, triển lãm đem đến cho người xem nhiều xúc cảm khi hồi nhớ về những tháng ngày Quảng trường được xây dựng, nhắc lại kỷ niệm khi Tượng đài Bác được đưa về với Pleiku. Trong đó, có hình ảnh và lưu bút của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về dự lễ khánh thành công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên: “Bên Tượng đài Bác Hồ muôn vàn kính yêu, tôi tin tưởng rằng với truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta, làm phong phú thêm tinh thần và truyền thống của Tây Nguyên bất khuất, của Việt Nam văn hiến và anh hùng”.

Phần 2 của triển lãm khẳng định vị trí, tầm quan trọng của Quảng trường Đại Đoàn Kết khi đây là địa điểm được chọn tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh. Nổi bật như: Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018; sự kiện trình diễn kết nối cung-cầu công nghệ và hội nghị về hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ địa phương-Techdemo năm 2019; Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62; lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập đô thị Pleiku; Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai. Và mới đây là Tuần lễ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022). Ngoài ra, Quảng trường, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên còn là nơi nhiều thế hệ người Gia Lai đến dâng hoa báo công với Bác trong những ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Với ánh mắt hiền từ, bàn tay vẫy chào thân ái, Bác như đang đón từng người đến vui chơi, tham quan Quảng trường. Tròn 1 thập kỷ, Tượng đài Bác đã cùng người dân chứng kiến sự thay đổi của mảnh đất Gia Lai kiên cường và đầy nội lực.

Phần cuối của triển lãm có nội dung “Quảng trường Đại Đoàn Kết-”Trái tim” của Phố núi” tập hợp những hình ảnh đẹp, giới thiệu các công trình bổ trợ cũng như nhiều thông tin thú vị mà nơi này đang sở hữu. Trong đó, Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên là 1 trong 31 tượng đài về Bác được xây dựng tại quảng trường, trung tâm hành chính, chính trị trên cả nước và là công trình Tượng đài Bác Hồ duy nhất ở khu vực Tây Nguyên. Công trình ý nghĩa này cũng được Bộ Xây dựng công nhận là công trình đạt huy chương vàng chất lượng cao ngành Xây dựng năm 2013. Quảng trường Đại Đoàn Kết được đánh giá là một trong những công trình xác lập được nhiều kỷ lục nhất trong cả nước với 5 kỷ lục (Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận công trình đạt 3 kỷ lục Việt Nam; Hội Đá quý Việt Nam công nhận 2 danh hiệu nhất Việt Nam)…

Gắn bó và xem Pleiku là quê hương thứ hai, ông Nguyễn Xuân Tập (phường Đống Đa) không khỏi tự hào mỗi khi nhắc đến Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ông tâm sự: “Niềm mong mỏi của người dân được dựng tượng đài Bác để thăm viếng, tỏ lòng tri ân đã trở thành hiện thực. Là cư dân của Phố núi, tôi thấy rất tự hào khi nơi mình sống có Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ. Triển lãm lần này cũng tập hợp rất phong phú, đầy đủ những cột mốc đáng nhớ liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của Quảng trường, qua đó giúp tôi có thêm nhiều thông tin, hiểu hơn giá trị vô giá của nơi này”.

Triển lãm phục vụ công chúng từ nay đến hết ngày 10-2. Đây sẽ là một điểm nhấn khá thú vị trong hành trình du xuân của người dân và du khách gần xa. Sau khi tham quan con đường hoa rực rỡ, mọi người có thể dạo chơi, ngắm nhìn những bức ảnh về Quảng trường để hiểu rõ hơn về nơi này, từ đó thêm yêu quý và trân trọng “trái tim” của phố núi Pleiku.

Có thể bạn quan tâm