Phóng sự - Ký sự

Quay cuồng trong cơn khát cát - Bài 6: Nhìn thẳng để có giải pháp hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt thực trạng sạt lở, sụt lún dẫn tới mất đất, hư hỏng công trình, nhà cửa của người dân, đòi hỏi giải pháp tổng thể ứng phó để giữ lại từng tấc đất.

Để thêm góc nhìn về vấn đề này, PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam đã có những chia sẻ với báo Tiền Phong.

Đã chi hàng nghìn tỷ đồng

Thưa ông, những năm gần đây sạt lở, sụt lún khu vực ĐBSCL diễn ra có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và độ nghiêm trọng, trái quy luật tự nhiên. Không chỉ sạt lở bờ sông còn cả bờ biển, ông có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính của thực trạng này?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Sạt lở ở ĐBSCL đã diễn ra nhiều năm qua. Trước năm 2005, sạt lở ít hơn và chủ yếu xảy ra vào đầu mùa mưa. Tuy nhiên, từ năm 2005 tới nay, sạt lở xảy ra ở nhiều nơi, diễn ra quanh năm. Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong yếu tố chính do tác động từ thượng nguồn sông Mê Kông, với nhiều công trình thuỷ điện xây dựng đưa vào vận hành, làm giảm lượng phù sa về vùng ĐBSCL. Nhiều năm trở lại đây, tần suất xuất hiện lũ lớn ở ĐBSCL giảm còn 7-10%, các đợt lũ tràn bờ ít đi đồng nghĩa với việc phù sa bồi lắng cho vùng đồng bằng cũng ít đi.

Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát thiếu kiểm soát; các hoạt động giao thông thủy tạo ra sóng; xây dựng nhà cửa lấn chiếm lòng sông; biến đổi khí hậu - nước biển dâng... khiến cho tình trạng sạt lở sông, rạch diễn ra nghiêm trọng hơn, tăng cả về phạm vi và cường độ…

Về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nguyên nhân gây sạt lở vùng ĐBSCL, từ đó đề xuất giải pháp tổng thể, căn cơ đảm bảo bền vững lâu dài. Khẩn trương bố trí lại dân cư, các công trình ven sông, tránh tăng tải vùng ven bờ làm nguy cơ sạt lở tăng thêm.

Câu chuyện sạt lở vùng ĐBSCL cũng có một phần từ nguyên nhân khai thác cát, trong khi vùng này đang cần lượng cát lớn để san lấp phục vụ xây dựng công trình cho phát triển. Ông nhìn nhận sao về điều này?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Nguyên nhân sạt lở, sụt lún có nhiều như đã trao đổi ở trên trong đó khai thác cát thiếu kiểm soát cũng là một nguyên nhân.

Cần xem việc khai thác cát có đúng theo hồ sơ, phương án được duyệt không, giám sát ra sao. Đơn cử, giấy phép cấp cho khai thác cát sâu 3m, nhưng thực tế khai thác sâu 5m có thể gây ra sạt lở, hoặc khai thác cát quá gần bờ cũng gây sạt lở… Do đó, việc khai thác cát phụ thuộc vào đơn vị quản lý, giám sát, khai thác. Vì vậy, phải có nghiên cứu, tính toán kỹ quy hoạch mỏ cát, đi kèm cơ chế giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động khai thác, nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến ổn định bờ sông.

Cấp thiết tìm giải pháp thay cát sông

Về dài hạn, nguy cơ sạt lở gia tăng khi phù sa về đồng bằng ngày càng giảm, đòi hỏi giải pháp dùng vật liệu thay thế cát sông trong xây dựng, như dùng cát biển, tro xỉ nhiệt điện, cầu cạn… Ông thấy sao về các giải pháp này?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Theo tôi chúng ta đều nhận thức được việc khan hiếm cát cho làm nền các công trình đường giao thông, khu công nghiệp vùng ĐBSCL. Do đó, có vật liệu khác thay cát sông như cát biển, tro xỉ… sẽ rất tốt. Khi có giải pháp thay thế sẽ giảm khai thác cát sông, giảm tác động lên sạt lở, cũng đảm bảo tiến độ các công trình. Vấn đề này được Chính phủ rất quan tâm đã chỉ đạo cho các Bộ TN&MT, Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, thí điểm ở ĐBSCL.

Nhiều ngôi nhà đổ sập do sạt lở ở Vĩnh Long.

Nhiều ngôi nhà đổ sập do sạt lở ở Vĩnh Long.

Nước ngầm vùng ĐBSCL bị khai thác quá mức cũng gây sụt lún, các nghiên cứu gần đây cho thấy, mỗi năm vùng này lún đất gấp 10 lần nước biển dâng, ông nhìn nhận sao về nguyên nhân này?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Một số nghiên cứu đã chỉ ra, khai thác nước ngầm quá mức, thời gian dài ở ĐBSCL là một trong những nguyên nhân chính làm cho đồng bằng đang bị thấp dần. Do đó rất cần phải tìm giải pháp giảm khai thác nước ngầm. Nước ngầm ở ĐBSCL khi hút đi rất khó để bổ cập, gần như mất đi, làm gia tăng lún đất. Vài năm trước tôi có dự hội thảo kết quả nghiên cứu của PGS.TS Đoàn Văn Cánh chỉ ra, với cấu tạo địa tầng vùng ĐBSCL rất khó bổ cập nước ngầm, khác hoàn toàn khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các vùng khác. Trước mắt, vẫn phải có giải pháp quản lý, tăng chuyển nước mặt về các khu vực thiếu nước ngọt, nhằm giảm khai thác nước ngầm giúp hạn chế sụt lún.

PGS.TS Trần Bá Hoằng cho biết: Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện Đề án Phòng chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán xâm nhập mặn vùng ĐBSCL, cuối quý 3 năm nay sẽ trình Chính phủ. Đề án với cách tiếp cận giải pháp một cách tổng thể, một giải pháp có thể đạt được nhiều mục tiêu.

Thời gian qua cũng xảy ra một thực tế, khai thác cát và nước ngầm quá mức gây sạt lở, rồi phải đầu tư nhiều tiền làm kè chống. Phải chăng cần tính toán tới những giải pháp khác, như kè sinh thái, thưa ông?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Về nguyên tắc, các công trình kè kiên cố có tuổi thọ phải vài chục năm tùy theo cấp công trình và phải đảm bảo được nhiệm vụ chống sạt lở cho khu vực công trình đó hướng tới. Tuy nhiên, có thể ở đâu đó có công trình kiên cố xây dựng xong vẫn còn hiện tượng sạt lở, cần đánh giá lại quá trình tính toán thiết kế, thi công, vận hành, duy tu bảo dưỡng đã đúng chưa? Cần xác định rõ nguyên nhân để tìm giải pháp khắc phục. Kè sinh thái chỉ phù hợp các bờ sông, kênh rạch nhỏ, nông, bờ biển thoải có sóng nhỏ, còn sông lớn có dòng chảy mạnh và lòng sông sâu, bờ biển dốc có sóng lớn vẫn phải sử dụng kè kiên cố.

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Ảnh: Hòa Hội

PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam. Ảnh: Hòa Hội

Sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau.

Sạt lở nghiêm trọng ở Cà Mau.

Thực tế các mùa khô gần đây cũng ghi nhận, việc một số cống ngăn mặn đóng chặt, trong khi nước ngọt thượng nguồn bổ sung không có, dẫn tới sụt lún đất, như vùng bán đảo Cà Mau. Có cần xem xét lại việc đầu tư, vận hành các cống ngăn mặn này, thưa ông?

PGS.TS Trần Bá Hoằng: Về nguyên tắc, các công trình cống ngăn mặn xây gần đây ở ĐBSCL hướng tới kiểm soát nguồn nước, không phải đóng kín ngăn hoàn toàn dòng chảy. Cống chỉ hướng tới kiểm soát nguồn nước mặn xâm nhập vào trong phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...

Còn một số khu vực ngọt hoá ở bán đảo Cà Mau, như tại huyện Trần Văn Thời là khu vực sản xuất hoàn toàn dựa vào nước mưa (không nối với hệ thống sông Cửu Long), chưa có nguồn tiếp nước ngọt đến. Do đó, trong mùa khô, để đảm bảo an toàn cho sản xuất phải đóng hệ thống cống ngăn mặn. Cống đóng nhưng nguồn nước ngọt bổ sung không có, dẫn tới mực nước các kênh rạch hạ thấp, thậm chí trơ đáy làm đất khô, co ngót, giảm tính cơ lý gây sụt lún đường giao thông, bờ kênh. Thời điểm này, chúng ta cần phải xem chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực, đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL.

Xin cảm ơn ông.

Theo PHẠM THANH (TPO)

Có thể bạn quan tâm