Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Quê nhà có mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đến tận bây giờ, tôi không thể đếm nổi bao lần mình rời quê ra đi, bao lần về lại. Ngót hai mươi năm đằng đẵng xa nhà, nhưng những chuyến đi về lần nào cũng thế, vẫn dậy lên trong tôi bao cảm xúc lẫn lộn, vừa hồ hởi vừa ưu tư, vừa thân quen lại có khi lạ lẫm.

Có lẽ chỉ những người con cứ biền biệt xa nhà mới hiểu đến tận cùng cảm xúc ấy. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê dù bện chặt vào tâm tưởng nhưng đôi lúc phải nhường chỗ cho những bộn bề cuộc sống. Nhiều khi thấy lòng mình hoang hoải, muốn lánh xa tất bật của phố xá phồn hoa để dựa vào một chốn yên bình nào đó, tôi lại thèm được về nhà.

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang


Bạn ở phố thường hỏi, ở quê có gì thú vị mà hễ cứ có được chút thời gian rảnh rỗi, tôi lại ưu tiên cho những chuyến trở về, dù đường sá xa xôi, tàu xe vất vả? Là bởi bạn ở ngay lòng quê của bạn từ ấu thơ nên làm sao có được một miền ký ức đeo mang nặng trĩu của những người ly hương để mà thương mà nhớ đến quắt lòng.

Như bản năng của bao đứa con đi xa trở về, lời gọi bật ra đầu tiên khi tôi đặt chân lên thềm nhà là “Mẹ ơi...”. Vậy mà bao năm nay, tôi đã bị tước mất tiếng gọi thiêng liêng ấy. Mái nhà vẫn như xưa, căn bếp vẫn hằn in nếp cũ... chỉ là vắng lặng đến cút côi khi thiếu bàn tay mẹ chăm nom, nhóm lửa mỗi ngày. Lòng tôi đầy mâu thuẫn khi vừa tha thiết về, cuống quýt về, vừa sợ về nhà khi phải đối diện với khoảng trống mênh mông từ ngày không còn mẹ. Hình ảnh mẹ luôn gắn liền với bình dị bóng quê, thơm thảo hồn quê, dường như xưa nay chưa hề có một “lập trình” nào khác trong trái tim, trí nhớ và cả niềm yêu của những đứa con sống xa nhà. Để rồi mỗi khi nhớ mẹ lại cồn cào nhớ quê, nhớ nhà bắt đầu từ nỗi nhớ mẹ.

Khác xa với không gian phố thị, buổi sáng thức dậy ở quê thật dễ chịu, bắt đầu bằng ngọn gió mát lành mang theo ngai ngái hương đất, hương đồng. Trong khoảng lặng hiếm hoi ấy, tôi giũ bỏ hết bao tất bật bon chen, ngổn ngang nghĩ suy công việc, chầm chậm hòa vào quê mà thả lỏng tâm tư, cơi nới muộn phiền.

Chẳng cần cao sang mỹ vị, ở quê, mỗi chiều chỉ cần cắp chiếc rổ ra vườn, một lát sau là có đầy đủ các loại rau mà người quê hay gọi với cái tên mộc mạc là rau tập tàng. Ghé khu chợ xép bên đường mua thêm mớ hến, mớ cá đồng, thêm mấy quả cà muối xổi là đã có mâm cơm quê ngọt mát ngày hè mà tôi dám chắc rằng “cơm phố” chẳng thể nào sánh nổi.

Tôi chợt nhớ da diết và ước gì ngày xưa còn mãi. Để mỗi bận về thăm nhà, được thấy dáng mẹ ngóng trông, đón đợi từ đầu ngõ. Được mẹ chuẩn bị sẵn những món ăn mình yêu thích mà hơn ai hết, mẹ là người am hiểu đứa con của mình đến tận cùng mọi ngõ ngách tâm hồn. Rồi khi rời đi, lại được mẹ ân cần gói ghém, đùm đề cơ man gói nhỏ gói to đồ ăn, sản vật quê hương làm quà biếu tặng bạn bè. Mái nhà của tôi, ấu thơ của tôi và miền ký ức thân thương của tôi luôn ngập tràn hình ảnh mẹ, vẹn nguyên nỗi nhớ khôn nguôi về mẹ, người phụ nữ chịu khó chịu thương, tần tảo suốt một đời.

Chiều nay, nhìn từng đụn khói bay lên trên chái bếp nhà ai bỗng cay xè khóe mắt rồi nước mắt chực trào khi nhác nghe tiếng trẻ con nhà bên đi học về í ới gọi mẹ từ đầu ngõ... Trong một thoáng chạnh lòng, tôi chợt cảm nhận thấy đâu đây hơi ấm, tình yêu bao la của mẹ vẫn đang hiện hữu, cứ thế vỗ về tôi rất đỗi ân cần.

Mái nhà xưa, làng quê cũ gần gụi và thân thương quá đỗi. Những cảm thức vời vợi khó gọi tên ấy tự bao giờ thầm lặng thấm sâu vào máu thịt đời tôi, để cứ mãi quay quắt thương về, giục lòng muốn ngược về.

 

NGÔ THẾ LÂM

 

Có thể bạn quan tâm