Đề nghị bổ sung quy định để các chuyên gia, cán bộ, công chức, viên chức sắp nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu có thể ứng cử, cống hiến cho Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng ý nâng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách, thu hút các chuyên gia, cán bộ có uy tín về cống hiến cho Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 11-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hiện vẫn còn quan điểm khác nhau về việc giữ quy định về tỉ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH (tương đương khoảng 175 đại biểu) như trong Luật tổ chức Quốc hội hiện hành hay nâng lên 37- 40%.
Đồng thời có ý kiến đề nghị cần có chính sách thu hút các đồng chí nguyên là cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ, gần đến tuổi nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về sức khỏe tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Với đối tượng nêu trên thì không khống chế độ tuổi tối đa của ĐBQH hoặc kéo dài tuổi làm việc của ĐBQH hoạt động chuyên trách lên mức cao hơn (65-67 tuổi) so với quy định của Bộ luật lao động để phát huy tối đa trí tuệ, kinh nghiệm của đại biểu.
Bày tỏ quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: nếu tăng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên 37-40% thì chúng ta có cơ hội để thu hút các chuyên gia, các cán bộ từng công tác tại các bộ, ngành, tổ chức xã hội mà có uy tín, trình độ, sức khỏe tiếp tục ứng cử làm ĐBQH để cống hiến.
"Nếu tỉ lệ được tăng lên như vậy thì có thể dành từ 3-5% số ĐBQH cho những người có kinh nghiệm như vậy" - bà Phóng nói.
Còn theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, luật hiện hành quy định tỉ lệ ĐBQH là 35% là số tối thiểu nên hoàn toàn có thể nâng tỉ lệ này lên. Tuy nhiên, trong thực tế thì chưa bao giờ số ĐBQH chuyên trách đạt tỉ lệ này mà cao nhất mới chỉ đạt 34% bởi khi bầu một ĐBQH còn liên quan đến cơ cấu, tiêu chuẩn.
Về đề nghị chuyển Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thành các ban chuyên môn thuộc Quốc hội (thay vì thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay), Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng ý. Và cho biết 2 ban này cũng đã chuẩn bị đề án để sẵn sàng nâng cấp.
Theo đó, các ban sẽ không tương đương như Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội mà sẽ tương đương như Ban Thư ký của Quốc hội, là cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng ý nâng cấp 2 ban nêu trên thành các ban chuyên môn thuộc Quốc hội vì đã đủ điều kiện chín muồi.
Lãnh đạo ở Quốc hội không phải "thủ trưởng chế"
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc các quy định trong dự thảo luật, tránh tình trạng "hành chính hóa" hoạt động của Quốc hội, "biến" lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội thành "thủ trưởng chế".
Ông Hiển nhấn mạnh rằng Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tuân thủ đa số, vì vậy lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội khi tham gia bỏ phiếu cũng chỉ có một phiếu như các ĐBQH khác. |
Lê Kiên (TTO)