Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quốc hội thảo luận về chính quyền đô thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, ngày 23-5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Phát biểu tại  kỳ họp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Đinh Duy Vượt cho rằng, việc ban hành nghị quyết nhằm tạo cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển TP. Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước là cần thiết.



Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ: Việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị; phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của TP. Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền thành phố trong một số lĩnh vực: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính-ngân sách. Đồng thời, Nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền TP. Đà Nẵng; đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố.

 Quang cảnh kỳ họp tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: T.D
Quang cảnh kỳ họp tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: T.D



Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 4 chương, 15 điều. Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Theo mô hình này thì chính quyền thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND thành phố; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận.

Tại phiên thảo luận, có 19 đại biểu phát biểu ý kiến, 3 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Bàn về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đinh Duy Vượt nêu ý kiến: “Mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo ra các mô hình tiêu biểu tại 3 thành phố lớn trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam. Đây chính là tiền đề lan tỏa, mở rộng đến các đô thị khác. Chúng tôi rất vui mừng, tin tưởng và kỳ vọng khi Quốc hội ban hành nghị quyết này sẽ tạo cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển TP. Đà Nẵng; đồng thời tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước”.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu thảo luận của các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm