Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quốc lộ 19 thi công ì ạch, gây mất an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 2 năm qua, Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19)-đoạn qua địa bàn huyện Đak Đoa đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Đặc biệt, vào mùa mưa mặt đường bị xói lở, xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Khốn khổ vì đường thi công ì ạch

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 31-12-2024. So với kế hoạch ban đầu, dự án phải kéo dài 18 tháng vì một số gói thầu thi công chậm tiến độ. Việc thi công ì ạch của các nhà thầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân dọc hai bên tuyến đường.

Đơn vị thi công quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Đak Đoa) để lại các ụ đất lớn chắn trước cổng nhà, người dân phải san gạt mới có lối đi. Ảnh: Minh Phương

Đơn vị thi công quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Đak Đoa) để lại các ụ đất lớn chắn trước cổng nhà, người dân phải san gạt mới có lối đi. Ảnh: Minh Phương

Nghiêm trọng nhất là đoạn tuyến dài hơn 20 km từ trung tâm huyện Đak Đoa đi huyện Mang Yang (thuộc gói thầu XL4A do Công ty TNHH Hợp Tiến và Công ty Cổ phần Vinadelta thi công). Trên đoạn tuyến này, nhiều nơi đơn vị thi công đổ đất, tập kết cát đá choán hết lối đi, có chỗ bày bừa sắt thép bên đường cản trở giao thông. Ngoài ra, có đoạn dù đã được đổ đá cấp phối nhưng đã bị nước mưa cuốn trôi tạo thành những rãnh sâu hoắm gây nguy hiểm cho người đi đường.

Ông Phan Tấn Quốc (thôn 2, xã Tân Bình) bức xúc: Cống thoát nước do đơn vị thi công mới làm cao hơn so với mặt đường cũ gần 1 m, trong khi mặt đường lại chưa được thi công khiến xe không thể ra vào nhà nên gần 2 năm nay việc kinh doanh của gia đình ông ế ẩm. “Đơn vị thi công chỉ làm cái mương thoát nước rồi ngừng, chúng tôi phải lấy cây gỗ, tấm sắt để bắc lên làm lối đi. Mùa nắng thì đường bụi, mùa mưa thì nước, bùn đất chảy vào nhà lênh láng. Đã 2 năm rồi nhưng công trình không tiến triển, chưa biết chúng tôi còn phải khốn khổ vì con đường này đến bao giờ”-ông Quốc ngao ngán nói.

Minh chứng cho lời ông Quốc nói là cơn mưa ngày 15-9-2022, đất đá trên đường đã bồi lấp ruộng lúa của 14 hộ dân ở xã Kdang, gây thiệt hại gần 60 triệu đồng.

Mặt đường quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Đak Đoa) nhiều nơi nước đọng thành vũng gây khó khăn cho việc lưu thông. Ảnh: Minh Phương

Mặt đường quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Đak Đoa) nhiều nơi nước đọng thành vũng gây khó khăn cho việc lưu thông. Ảnh: Minh Phương

Còn tại các điểm thi công xây dựng cầu, cống trên tuyến, đơn vị thi công cũng đào bới nham nhở rồi để đó. Những ụ đất cao cộng với “ổ gà, ổ voi” tại điểm cầu Linh Nham (xã Kdang) không những khiến các phương tiện lưu thông qua đây gặp khó khăn mà còn cản trở đường đi, lối lại vào nhà của người dân. Bà Đào Thị Nở-tổ 6, thị trấn Kon Dỡng (huyện Mang Yang)-nhà ở ngay khu vực đang xây dựng cầu cho hay: “Đơn vị thi công dang dở để lại các ụ đất lớn chắn trước cổng nhà, tôi phải dùng cuốc san gạt mới có lối đi”.

"Điểm đen" về ATGT

Thời điểm này, Gia Lai đang vào cao điểm mùa mưa nên tại những đoạn đường đang thi công dang dở vắng bóng nhà thầu. Đáng quan ngại hơn, đoạn từ thị trấn Đak Đoa đi qua xã Tân Bình, Kdang tiếp giáp xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) mặt đường hư hỏng nặng, nhiều nơi nước đọng vũng trên mặt đường khiến người và phương tiện gặp khó khăn mỗi khi qua đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Kdang Nguyễn Thanh Phú: Đoạn đường qua xã chi chít ổ gà gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông nhưng đơn vị thi công rất chậm khắc phục. Hơn nữa, đơn vị thi công dùng đá lẫn lộn đất để trám vá ổ gà nên chỉ sau cơn mưa là trôi hết. Mặt khác, quá trình nâng cấp quốc lộ 19, chủ đầu tư có nắn một số đoạn cua nhưng thi công thiếu khoa học, hợp lý gây nguy hiểm cho phương tiện khi đến vị trí này. Đơn cử là đoạn đường gần trụ sở UBND xã, do mương nước mới lấn đến gần giữa tim đường cũ, đơn vị thi công đào đất mở rộng sang phía bên kia đường vô tình tạo nên độ dốc cao. Do vậy, các phương tiện chở nặng chỉ cần không chú ý, cua gấp thì xe dễ bị lật hoặc 2 xe tải tránh nhau ở đoạn này cũng rất nguy hiểm.

Vào giờ cao điểm, các phương tiện nối đuôi nhau chờ qua cầu tạm An Mỹ (nơi tiếp giáp giữa huyện Đak Đoa và TP. Pleiku) dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Minh Phương

Vào giờ cao điểm, các phương tiện nối đuôi nhau chờ qua cầu tạm An Mỹ (nơi tiếp giáp giữa huyện Đak Đoa và TP. Pleiku) dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ. Ảnh: Minh Phương

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Kdang, đáng chú ý là tại vị trí cầu tạm, đơn vị thi công không thường xuyên bố trí người điều tiết giao thông, chỉ khi có sự cố ùn tắc cục bộ xảy ra thì mới thấy xuất hiện. “Trách nhiệm của đơn vị thi công là phải điều tiết, phân luồng cho phương tiện qua lại cầu tạm nhưng xã đã phải chủ động yêu cầu lực lượng Công an thường xuyên nắm tình hình, tham gia điều tiết giao thôn vì không thể trông chờ vào họ”-Phó Chủ tịch UBND xã Kdang nói.

Trao đổi với P.V, ông Bùi Thanh Bình-Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: “Quốc lộ 19 đoạn qua thị trấn Đak Đoa (từ Km151+600 đến Km155+450), mặt đường nhiều nơi hư hỏng nặng tạo thành các hố sâu, huyện nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục, sửa chữa nên đã xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông, ngã xe do vấp phải ổ gà. Nếu để xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến mà nguyên nhân là do hư hỏng mặt đường, không đảm bảo an toàn trong quá trình thi công dự án gây nên thì Ban Quản lý dự án 2 phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Đak Đoa cũng yêu cầu chủ đầu tư bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, điều tiết, phân luồng phương tiện tại vị trí 2 bên các điểm cầu Vàng (xã Kdang), cầu Lệ Cần (xã Tân Bình) để tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Kiểm tra trám vá các ổ gà, các vị trí sụt lún trên đường từ Km138+800 đến Km155+600; đặt biển cảnh báo, giăng dây tại khu vực thi công cầu Vàng; thu dọn vật liệu, tập kết máy móc đúng nơi quy định; khắc phục tình trạng đất tràn ra đường tại điểm Cống Voi (xã Tân Bình) đảm bảo cho phương tiện lưu thông an toàn…

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 2 đề nghị chỉ đạo các đơn vị thi công tăng cường công tác đảm bảo ATGT trên tuyến quốc lộ 19, đồng thời rà soát và có giải pháp xử lý những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT hay ách tắc giao thông, đặc biệt là tại khu vực cầu Linh Nham, cầu Vàng, Lệ Cần, An Mỹ. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thi công phù hợp, khoa học nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt, đi lại của người dân được thuận tiện.

Có thể bạn quan tâm