Kinh tế

Giá cả thị trường

Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Buông hay giữ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại dự thảo mới nhất về nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương không còn quy định về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Vậy số tiền quỹ đang tồn gần 7.000 tỉ đồng sẽ được quản lý thế nào?

Đề xuất đưa về Nhà nước quản lý

Theo Bộ Công thương, để thực hiện đúng quy định của luật Giá về bình ổn giá (BOG) 2023 (có hiệu lực từ ngày 1.7), dự thảo nghị định không quy định riêng về Quỹ BOG xăng dầu mà hướng tới quy định BOG xăng dầu tương tự như BOG các mặt hàng khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG.

Quỹ sẽ không sử dụng thường xuyên, khi giá xăng dầu có biến động bất thường, Bộ Công thương sẽ chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng biện pháp bình ổn gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương để thực hiện theo quy định của luật Giá.

Một đề xuất mới đây của Bộ Công thương là số dư của Quỹ BOG xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp đầu mối như xưa nay, sẽ xem xét chuyển về ngân sách và việc trích lập, chi quỹ này theo luật Giá 2023.

Nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nhiều chuyên gia tiếp tục đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Luật Giá 2023 quy định có 5 biện pháp bình ổn, trong đó có biện pháp thứ 5 là sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng đã thành lập quỹ. Như vậy, Quỹ BOG xăng dầu vẫn được duy trì.

Góp ý về nội dung này, Bộ Nội vụ đề nghị làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của quỹ; phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với Quỹ BOG xăng dầu phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành để trình Chính phủ xem xét, quyết định. Bộ KH-ĐT cũng nêu quan điểm cho rằng, Quỹ BOG xăng dầu thực hiện theo luật Giá, hoạt động quản lý điều tiết giá của Nhà nước đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ BOG; việc tổ chức, quản lý Quỹ BOG do bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện. Song đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể đối với Quỹ BOG xăng dầu để làm căn cứ triển khai.

Trong khi đó, Bộ Công an cho rằng công tác quản lý nhà nước và sử dụng Quỹ BOG xăng dầu thời gian qua còn nhiều sơ hở, bất cập. Đã để một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chiếm dụng, sử dụng sai mục đích; một số cơ quan chức năng và dư luận doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có ý kiến trái ngược về sự cần thiết duy trì Quỹ BOG xăng dầu.

Thế nên, Bộ Công an đề nghị Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính đánh giá kỹ vai trò, tác dụng của Quỹ BOG trong thực hiện mục tiêu ổn định giá xăng dầu trong nước trước các biến động đột ngột về giá của thị trường xăng dầu thế giới. Đánh giá sự phù hợp quy định về Quỹ BOG với quy định của pháp luật.

"Trong trường hợp tiếp tục duy trì Quỹ BOG, đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào dự thảo nghị định quy định chặt chẽ việc trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ BOG xăng dầu", Bộ Công an nêu quan điểm.

Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu VN lại đưa ra 2 phương án. Đó là bỏ Quỹ BOG xăng dầu vì nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày một lần thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá trong nước đã bám sát diễn biến giá thế giới. Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội không lớn. Phương án 2 là nếu vẫn còn duy trì Quỹ BOG, Hiệp hội Xăng dầu VN đề xuất giao cho một cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ này; quy định cụ thể trích, chi quỹ đảm bảo kịp thời, thuận lợi và không ảnh hưởng đến doanh nghiệp; bổ sung vào giá bán xăng dầu vì không có trích, chi Quỹ BOG trong giá cơ sở. Việc này nhằm khắc phục những bất cập về tình trạng sử dụng Quỹ BOG xăng dầu như thời gian qua, đồng thời để minh bạch các thông tin về quỹ.

Quỹ đã "hết phép", nên bỏ

Trái lại, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn bảo lưu quan điểm nên bỏ hẳn Quỹ BOG xăng dầu trong bối cảnh giá trong nước đang được điều hành sát giá thế giới và cho phép doanh nghiệp tự quyết giá, nhà nước không can thiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả và thị trường (Bộ Tài chính) đặt câu hỏi: Tại sao dự thảo nghị định còn không bỏ hẳn Quỹ BOG mà vẫn cho duy trì, chỉ khác trước để tại tài khoản của doanh nghiệp đầu mối, nay đưa về Nhà nước như một quỹ. Cái gốc của vấn đề là Nhà nước phải tạo ra thị trường xăng dầu thực sự, để thị trường tự vận hành và điều tiết theo nguyên tắc cạnh tranh. Khi doanh nghiệp tự tính toán, tự quyết giá bán ra hằng tuần theo giá thế giới rồi thì duy trì quỹ làm gì?

Theo tôi, mục đích thành lập Quỹ bình ổn giá từ đầu nay đã không còn hiệu quả, nên tốt nhất bỏ đi, đừng cố giữ quỹ này nữa.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

"Việc đề xuất chuyển quỹ về cho cơ quan nào đó đi quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách cần cân nhắc về tính hiệu quả. Theo tôi, mục đích thành lập Quỹ BOG từ đầu nay đã không còn hiệu quả, nên tốt nhất bỏ đi, đừng cố giữ quỹ này nữa", ông Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), đồng quan điểm nên bỏ Quỹ BOG vì nó "không còn ý nghĩa gì nữa" khi dự thảo đã có quy định để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Tuy nhiên, Quỹ BOG xăng dầu được lập và hình thành từ tiền của người tiêu dùng trả trước để mua xăng dầu. Nay số tiền còn tồn quỹ khá lớn, nếu đưa về cơ quan quản lý Nhà nước thì chính sách cũng cần có cơ chế giám sát để bảo đảm tính minh bạch, công khai, tránh thất thoát và chiếm dụng tiền của người dân.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đồng tình việc bỏ Quỹ BOG xăng dầu vào thời điểm này là có cơ sở. Cụ thể, nếu thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay thì mức độ biến động giá giữa 2 lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn. Hơn nữa, để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp không thể trông chờ hay ỷ lại vào Quỹ BOG, mà phải sử dụng các phương thức công cụ khác, thuế, đặc biệt là doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải thực hiện công cụ hedging (tức là cố định giá trước để hạn chế tác động giá xăng dầu tăng hay giảm - PV) - một công cụ quan trọng trong lĩnh vực tài chính, nhằm mục đích giới hạn rủi ro và tối ưu hóa tỷ lệ rủi ro, tỷ lệ lợi nhuận.

"Hiện cả nước còn hơn 30 doanh nghiệp đầu mối, gần 400 thương nhân phân phối và đặc biệt đã có 2 nhà máy lọc dầu trong nước, cung ứng 70% lượng xăng dầu cho thị trường. Nên có thể thấy nguồn cung đã được bảo đảm và hệ thống lưu thông phân phối đã được củng cố ngày một tốt hơn. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu có sự cạnh tranh nhất định, từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, thế nên vai trò của công cụ quỹ không còn cần thiết như giai đoạn trước", PGS-TS Ngô Trí Long nói.

Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố lần gần nhất, số dư Quỹ BOG xăng dầu hiện gần 6.700 tỉ đồng. Trong các kỳ điều hành từ đầu năm 2024 đến nay, liên bộ Tài chính - Công thương không chi sử dụng quỹ, một số kỳ có thực hiện trích lập quỹ đối với một số mặt hàng dầu.

Hiện Quỹ BOG xăng dầu đang được trích lập và sử dụng theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2021. Theo đó, quỹ này chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Khi giá giảm hơn 5%, quỹ được trích thêm, ngoài 300 đồng/lít như quy định.

Có thể bạn quan tâm