Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quy định thời hạn sở hữu chung cư: Giá biệt thự, nhà phố sẽ bị đẩy lên cao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư có thể dẫn đến tình trạng nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất khiến  giá biệt thự, nhà phố bị đẩy lên cao.
 
Lo ngại quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư dẫn đến có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở. Ảnh: H.H
Lo ngại quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư dẫn đến có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở. Ảnh: H.H
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Trong đó có phương án thời hạn sở hữu được xác định căn cứ theo thời hạn sử dụng công trình.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã nêu một số bất cập khi quy định thời hạn sở hữu chung cư.
Đơn cử, điều này dẫn đến có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở, theo đó thì nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà phố) gắn liền với đất ở thì được công nhận sở hữu không xác định thời hạn; nhà chung cư thì chỉ được công nhận sở hữu có thời hạn.
Theo HoREA, nếu phương án này được thông qua thì có thể dẫn đến tình trạng nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất ở, có thể dẫn đến tình trạng giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao. Quy định này có thể “làm lợi” cho các chủ đầu tư dự án nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà phố) và làm trở ngại cho việc phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị.
Bên cạnh đó, ưu điểm của căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn là giá bán thấp hơn căn hộ sở hữu không xác định thời hạn tương tự tại cùng khu vực, phù hợp với khả năng tài chính của một bộ phận khách hàng. Nhưng theo nhận định của Hiệp hội này, đa số người dân lại có tâm lý lựa chọn căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn, nên rất cần thiết giữ nguyên chính sách hiện nay của Luật Nhà ở 2014 cho phép phát triển cả hai loại dự án nhà chung cư “sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài” hoặc “sở hữu có thời hạn”.
HoREA cho biết, nếu so sánh thì giá bán căn hộ nhà chung cư sở hữu có thời hạn tuy thấp hơn giá bán căn hộ nhà chung cư sở hữu vĩnh viễn khoảng trên dưới 20%, nhưng chưa thật sự hấp dẫn và chưa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của số đông người tiêu dùng, bởi lẽ đa số người dân có tâm lý coi nhà ở, trong đó có căn hộ chung cư vừa là “tiêu sản” (dùng để ở, thụ hưởng); vừa là “tích sản” (tích lũy tài sản; làm của cải để dành) có giá trị lớn nhất; vừa kết hợp để ở và kinh doanh,...
Bên cạnh đó, Việt Nam là nước đang phát triển (có thể còn mất nhiều năm nữa mới đạt mức GDP 7.000 USD/người) nên giá trị bất động sản, nhà đất (nhất là đất) thường có xu thế tăng giá theo thời gian.
Hiệp hội lấy ví dụ, năm 2007-2010, chủ đầu tư một khu đô thị mới tại quận 7 bán nhà phố, biệt thự với giá đất nền khoảng 7-16 triệu đồng/m2; bán căn hộ chung cư với giá 32-35 triệu đồng/m2. Nhưng, hiện nay (sau 15 năm) thì giá đất nền đã tăng lên 160-200 triệu đồng/m2, giá căn hộ chung cư đã tăng lên 50 triệu đồng/m2 nên đa số người dân mua nhà chung cư thì có xu hướng lựa chọn mua căn hộ nhà chung cư được sở hữu không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài để được hưởng địa tô chênh lệch.
Một bất cập nữa mà HoREA chỉ ra đó là phương án 1 (Bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo) Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa làm rõ chế độ sử dụng đất đối với đất xây dựng khu chung cư là đất sử dụng ổn định lâu dài hay là đất sử dụng có thời hạn theo thời hạn sở hữu nhà chung cư,...
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm