Kinh tế

Giá cả thị trường

Quy định về giá phát điện và trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tư 57 quy định cụ thể về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện và trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện đấu nối với hệ thống điện quốc gia.

 (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
(Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)


Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 57/2020/TT-BCT (Thông tư 57) về quy định phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2014/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện.

Theo đó, Thông tư 57 quy định cụ thể về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện và trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện đối với các nhà máy điện đấu nối với hệ thống điện quốc gia có tổng công suất lắp đặt trên 30MW, các nhà máy điện có công suất lắp đặt từ 30MW trở xuống tự nguyện tham gia thị trường điện; các tổ chức, cá nhân khác có liên quan…

Đáng chú ý, Thông tư 57 sửa đổi Khoản 3 Điều 6 Thông tư số 57/2014/TT-BCT như sau: Suất đầu tư là chi phí đầu tư cho 01kW công suất tinh bình quân của nhà máy điện chuẩn được tính toán trên cơ sở tổng mức đầu tư có hiệu lực tại thời điểm tính toán khung giá phát điện (cập nhật tỷ giá ngoại tệ tại thời điểm tính toán).

Các chi phí thành phần trong suất đầu tư bao gồm chi phí xây dựng như các công trình, hạng mục công trình; phá và tháo dỡ các vật liệu kiến trúc cũ; san lấp mặt bằng xây dựng; xây dựng công trình tạm; công trình phụ trợ phục vụ thi công, nhà tạm tại hiện trường để ở và để điều hành thi công.

Chi phí thiết bị gồm các chi phí mua sắm thiết bị công nghệ, đào tạo vận hành nhà máy; lắp đặt, thử nghiệm, hiệu chỉnh; vận chuyển, bảo hiểm, thuế và các loại phí liên quan khác; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và chi phí tái định cư theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chi phí xử lý gia cố nền móng công trình.

Ngoài ra, chi phí quản lý dự án gồm các chi phí để tổ chức thực hiện công việc quản lý dự án từ khi lập dự án đến khi hoàn thành nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng; chi phí tư vấn xây dựng gồm các chi phí cho tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát xây dựng, tư vấn thẩm tra và các chi phí tư vấn đầu tư xây dựng khác.

Chi phí khác gồm vốn lưu động trong thời gian chạy thử nghiệm thu nhà máy, chi phí lãi vay và các chi phí cho vay vốn trong thời gian xây dựng nhà máy điện và các chi phí cần thiết khác; chi phí dự phòng gồm các chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh và dự phòng cho yếu tố trượt giả trong thời gian xây dựng công trình.

Mặt khác, Thông tư 57 còn sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 6 về lãi suất vốn vay được tính bằng lãi suất bình quân gia quyền các nguồn vốn vay nội tệ và ngoại tệ. Sửa đổi Điều 8…

Đặc biệt, Thông tư 57 sẽ thay thế các Thông tư số 56/2014/TT-BCT; Thông tư số 51/2015/TT-BCT ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2014/TT-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư số 56/2014/TT-BCT.

Cùng với đó, bãi bỏ Điều 1 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BCT; Thông tư số 30/2014/TT-BCT quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh và Thông tư số 57/2014/TT-BCT quy định phương pháp, trình tự xây dựng và ban hành khung giá phát điện. Bãi bỏ Điều 134 và Phụ lục 5 Thông tư số 45/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư só 56/2014/TT-BCT.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh về Bộ Công Thương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 22 tháng 2 năm 2021.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

 

Có thể bạn quan tâm