(GLO)- Về làng phong Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vào một trưa đỏ nắng, tôi không dám tin nơi này từng là một ngôi làng biệt lập so với cuộc sống bên ngoài. Bởi đây chính là nơi ăn chốn ở của những con người đang hàng ngày phải đối chọi với căn bệnh vốn được liệt vào tứ chứng nan y của mấy mươi năm về trước, nhưng vẻ đẹp thơ mộng và bình yên của ngôi làng được núi non bao quanh, lại nằm cách bờ biển chỉ vài bước chân đã gây xôn xao lòng du khách trong một buổi trưa hè không hẹn trước. Ngạc nhiên quá đỗi trước sự trở mình của một vùng đất từng bị ám ảnh bởi những nỗi đau, những số phận khốn cùng nay lại bừng lên một sức sống mới, sớm trở thành địa danh du lịch mới mẻ, đầy cuốn hút, có thể làm xiêu lòng bất kỳ một du khách khó tính nào.
Một góc làng phong Quy Hòa. Ảnh: Lữ Hồng |
Mỗi góc thiên nhiên nơi đây là một câu chuyện. Làng phong tạo ấn tượng đầu tiên bởi lối kiến trúc Pháp độc đáo, từng ngôi nhà trong làng đều toát lên vẻ cổ kính nhưng đầy mộc mạc và đậm chất riêng. Có lẽ, với những người chung một số phận không may thì những mái nhà như thế là một mái ấm đúng nghĩa.
Những ai đã từng yêu thơ Hàn Mặc Tử lại càng có thêm lý do để về thăm ngôi làng nhỏ bé này, thăm nơi thi sĩ tài hoa ấy đã sống những ngày cuối đời, với những cơn đau và thi ca. Ngay phía trước căn phòng lưu niệm có con hẻm nhỏ được mệnh danh là “ngõ vắng xôn xao” với giàn hoa giấy đổ xuống, loang cả một vệt hồng giữa góc trời trong ngày ươm nắng. Bước lần vào trong, từng hiện vật, bút tích gắn liền với nhà thơ đoản mệnh ngày ấy còn lưu lại, phảng phất chút man mác buồn, gợi những niềm tiếc thương cho nhiều du khách. Bên manh chiếu cói trên chiếc giường đơn lẻ, bộ bàn ghế thô sơ, những trang thơ đã vương màu thời gian, hình bóng của Hàn Mặc Tử như vẫn còn đây…
Khung cảnh làng phong Quy Hòa những ngày hè trở nên thanh bình và xanh mát đến độ khiến cho người ta quên đi nơi đây vẫn là một bệnh viện phong mà không tiếc lời khen tặng như dành cho một thắng cảnh đã nổi tiếng từ lâu. Bước chân đến con đường nào cũng được bóng mát của cây xanh che phủ, lẫn trong màu xanh ấy là muôn vàn hoa cỏ xinh tươi. Nên ngay đến khu chữa trị cho bệnh nhân phong ở đây cũng trở nên bình yên đến lạ.
Ảnh: Lữ Hồng |
Nằm trong khuôn viên được đầu tư khang trang của Bệnh viện Phong-Da liễu Trung ương Quy Hòa, có một nơi mang tên là Công viên Nhân Ái, đây chính là nơi ghi nhớ công ơn của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội, nhân đạo vì bệnh nhân phong. Những tượng đá được tạc ngay thẳng dọc theo hàng cây xanh thắm có lúc đã khiến du khách lạc lối, cảm tưởng như đang đắm mình trong một khu vườn lạ lẫm. Bên cạnh đó là hồ sen rộng ngút tầm mắt, ở chốn này, mùa hạ này, sen nở đẹp vô cùng. Như thắp lên hàng trăm ánh lửa, đượm sắc hồng, khoe cho kỳ hết vẻ rực rỡ căng tràn sức sống.
Dường như, không mấy ai để ý xem ngôi làng này trở thành một điểm du lịch hút khách tự bao giờ. Chỉ biết rằng sự xuất hiện đông đảo của du khách càng làm cho cuộc sống của người dân nơi đây trở nên tươi vui hơn, dần quên đi cái không khí tẻ lạnh của mấy mươi năm về trước. Và bạn, nếu mùa hè này có dự định sẽ đặt chân đến miền đất võ, hãy ghé thăm ngôi làng xinh đẹp này, để nằm hóng gió dưới tán phi lao bên bờ biển dài êm đềm sóng vỗ, để tận hưởng cái mát rượi của hớp nước dừa mua vội, để tự mình tạo nên những góc tự sự của riêng mình trong từng khoảnh khắc nghệ thuật nơi đây.
Lữ Hồng