Multimedia

Emagazine

Truyền thông là cầu nối đưa du lịch Gia Lai ra thế giới

E-magazine Truyền thông là cầu nối đưa du lịch Gia Lai ra thế giới

(GLO)- Với những nỗ lực của mình thời gian qua, anh Phan Xuân Nguyên-Giám đốc Công ty Truyền thông Sun Media GL đã chứng minh được rằng, truyền thông không chỉ có thể tạo ra những giá trị kinh tế, mà còn góp phần quảng bá nét đẹp của quê hương.

Sau hơn một thập kỷ làm việc ở Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, anh Phan Nguyên nhận ra mình cần bước ra khỏi vùng an toàn và học hỏi thêm để làm mới bản thân.

Sự tò mò về cách các đạo diễn tên tuổi tạo nên những tác phẩm giá trị đã thôi thúc anh thi vào ngành Đạo diễn của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh. Dù phải thi đến 2 lần mới thành công, song với anh, đó là hành trình đáng giá để mở ra những cánh cửa mới.

Những ngày đầu tại Sài Gòn, anh sẵn sàng làm mọi thứ miễn sao có thể học nghề. Và những trải nghiệm đó đã giúp anh tích lũy vốn kiến thức, kỹ năng, mở đường cho hành trình làm nghề sau này.

anh-phan-nguyen.png

Trở về Gia Lai sau khi hoàn thành khóa học, anh Nguyên bắt tay vào xây dựng sự nghiệp riêng với Công ty Truyền thông Sun Media GL. Những mối quan hệ từ thời làm việc tại Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai đã giúp anh có được những khách hàng đầu tiên. Tuy nhiên, áp lực nhân sự và yêu cầu duy trì công việc đã buộc anh phải chuyển từ tư duy làm nghề sang tư duy kinh doanh.

Anh Nguyên tâm sự: “Làm nghề thì dễ khiến khách hàng hài lòng, nhưng để họ hiểu và trân trọng giá trị sâu sắc hơn lại là câu chuyện khác. Điều đó đòi hỏi tôi phải nỗ lực gấp năm, gấp mười. Mặt khác, khi bộ máy Công ty lớn dần, buộc suy nghĩ của tôi cũng phải thay đổi. Nếu chỉ giữ tư duy làm nghề, chắc chắn sẽ thất bại”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quản lý và tổ chức, song anh Nguyên may mắn nhận được sự hỗ trợ từ những người "có nghề" xung quanh. Dẫu vậy, không ít lần, anh cũng cảm thấy cô đơn bởi có những khát vọng lớn trong nghề lại ít được mọi người đồng cảm.

Anh Nguyên có đam mê đặc biệt với những thước phim đẹp. Không chỉ giữ nhiệt huyết cho riêng mình, anh cũng thường khuyến khích nhân viên của Sun Media GL cùng “chơi nghề”. Bởi anh hiểu rằng, chỉ khi tìm thấy niềm vui trong công việc, mọi người mới có thể theo đuổi và gắn bó với nó lâu dài. Bất cứ khi nào nhân viên có ý tưởng, chỉ cần trao đổi, anh đều sẵn lòng hỗ trợ để hiện thực hóa chúng.

3.png
Một số dự án anh Phan Xuân Nguyên cùng ekip Sun Media GL thực hiện. Ảnh: NVCC

Không chỉ giữ mình trẻ trung trong tư duy, anh còn tích cực học hỏi từ những bạn trẻ hơn mình. “Những người thầy, người nhân viên của tôi phần lớn là người trẻ. Thế hệ gen Z bây giờ rất giỏi và sáng tạo, chính họ cũng là nguồn cảm hứng giúp tôi làm mới mình mỗi ngày”-anh khẳng định.

Khi nói về cơ hội của ngành truyền thông tại Gia Lai, anh Nguyên nhìn nhận: “Hiện ngành truyền thông ở Gia Lai đang phát triển khá tốt. Các doanh nghiệp dù chưa hiểu sâu nhưng bắt đầu định hình rõ ràng hơn về truyền thông. Bên cạnh đó, qua thống kê của Sun Media GL, nhu cầu người trẻ muốn quay về Gia Lai tìm kiếm cơ hội việc làm truyền thông cũng tăng lên trong những năm gần đây”.

Với anh Nguyên, Gia Lai không chỉ là nơi "chôn nhau cắt rốn", mà còn là mảnh đất lưu giữ nhiều giá trị mà anh muốn lan tỏa. Từ văn hóa cồng chiêng, lễ hội đến thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ... Tất cả đều là chất liệu để anh thỏa sức sáng tạo và kể lại câu chuyện về quê hương mình qua từng thước phim.

Quả không ngoa khi có người từng nói rằng, Phan Nguyên là người làm du lịch không công cho tỉnh nhà, bởi đó cũng chính là tình yêu của anh với nghề, với vùng đất này. Anh dùng tình yêu đó để truyền tải vẻ đẹp của Gia Lai đến công chúng. Với anh, Gia Lai có sự mộc mạc mà không ở đâu có được.

4.png
Những bức ảnh do anh Phan Xuân Nguyên chụp đã góp phần quảng bá du lịch Gia Lai. Ảnh: NVCC

Điều gì làm bằng tình yêu sẽ mang đến kết quả rất khác biệt. Anh Nguyên bắt đầu từ quay phim và yêu những thước phim, điều đó giúp anh tạo ra những sản phẩm "chạm" đến khán giả. Nhiều hôm để quay được những thước phim đẹp về mây, sương, thiên nhiên mơ màng..., anh phải “chầu chực trời đãi” suốt nhiều ngày.

Chẳng hạn, để ghi lại được thước phim núi lửa Chư Đang Ya trong mây-một trong những dự án tâm đắc nhất của mình-anh Nguyên đã kiên nhẫn chờ đợi từ 4 giờ sáng mỗi ngày, trong suốt 15 ngày. “Hôm săn được khoảnh khắc cây cô đơn hiện lên, nắng lung linh chiếu qua, mây bay trôi ở dưới. Tôi cầm flycam bay lên mà cảm giác như tim mình đang đánh trống dồn bởi khoảnh khắc mà mình đã bắt được”-anh Nguyên nhớ lại lần tác nghiệp đầy cảm xúc.

Truyền thông, theo anh Nguyên, không chỉ đơn giản là truyền tải thông tin, mà còn là nghệ thuật kết nối và chạm đến cảm xúc. Anh Nguyên cũng bộc bạch rằng, Sun Media GL với anh như một tổ hợp của những người yêu nghề, không ai thuê nhưng vẫn làm, bởi vì đam mê. Có lẽ vì thế mà mỗi thước phim của anh cùng ê-kip thực hiện nên đều có sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ.

2.png

Chia sẻ trong Podcast Chuyện người Gia Lai số 17, anh Nguyên ví von rằng, nếu Gia Lai là một bức tranh, anh sẽ trở thành cây cầu nhỏ nhưng vững chắc.

5.png

Có thể bạn quan tâm