Những năm qua, ở thành phố Gia Nghĩa đang có nhiều đồ án quy hoạch có sự chồng chéo, thậm chí "đè" lên nhau hoặc chậm triển khai thực hiện. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Địa bàn thành phố Gia Nghĩa đang có nhiều quy hoạch chồng chéo, chậm triển khai thực hiện đã làm khó người dân trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phan Tuấn |
Quy hoạch chồng chéo, chậm triển khai thực hiện
Từ khi thành lập cho đến nay, địa bàn thành phố Gia Nghĩa có khoảng 55 đồ án quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) và phân khu đô thị được phê duyệt.
Qua thực tế cho thấy, trên địa bàn Thành phố Gia Nghĩa có nhiều đồ án quy hoạch chi tiết giao cho nhiều đơn vị, chủ đầu tư khác nhau thực hiện. Nhưng quá trình thực hiện lại thiếu phối hợp, dẫn đến chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Cuối năm 2020, thực hiện theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (năm 2018) ở địa phương, ông D.V.N (ở tổ 6 phường Nghĩa Phú) đã chuyển đổi 100m2 đất nông nghiệp sang đất ở đô thị với chi phí khoảng 200 triệu đồng.
Đến tháng 3.2021, ông N thực hiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, lúc này, ông N chỉ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn 3 năm. Lý dó, diện tích đất đai của ông N đã bị Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị sinh thái hồ Đắk R’tíh công bố vào tháng 4.2021 "đè" lên.
Như vây, mặc dù mới chuyển đổi thổ cư chưa được mấy tháng nhưng ông N đã bị hạn chế về quyền xây dựng và bất an khi làm nhà mới. Một cán bộ phường Nghĩa Phú cho biết, đối với giấy phép có thời hạn, chủ nhà phải làm bản cam kết với cơ quan chức năng.
Trong thời gian 3 năm, nếu Nhà nước thực hiện quy hoạch thì người dân được đền bù theo quy định. Sau thời gian 3 năm, người dân phải tự tháo dỡ công trình, không được nhận đền bù, giải phóng mặt bằng.
Tương tự, dự án tái định cư 24ha ở phường Nghĩa Trung bắt đầu triển khai từ năm 2009. Đến năm 2012, UBND thị xã Gia Nghĩa (nay là thành phố Gia Nghĩa) có quyết định thu hồi đất. Từ đó đến nay, dự án không được triển khai. Nơi đây từng là khu dân cư đông đúc này cỏ dại mọc um tùm, nhiều nhà cửa bỏ hoang, xuống cấp...
Ông P.V.T (ở tổ 5, phường Nghĩa Trung) cho hay, nhà ông có lô đất rộng gần 200m2 để dựng căn nhà cấp 4 nhưng thuộc diện bị thu hồi đất để triển khai dự án.
"Quyết định thu hồi đã ban hành, phương án hỗ trợ, tái định cư cũng niêm yết từ năm 2012 nhưng đến nay, gia đình tôi không được gì. Ngôi nhà cấp 4 xuống cấp không được sửa chữa, gia đình phải sống trong căn nhà mái tôn ọp ẹp" - ông T bức xúc.
Hiện nay, ở thành phố Gia Nghĩa, có nhiều quy hoạch chồng chéo và đè lên nhau. Ảnh: Phan Tuấn |
Ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội
Ở gốc độ thực tế, theo ông Trần Thanh Luyện - Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung, trên địa bàn phường có nhiều dự án quy hoạch, nhưng chưa triển khai. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân.
Vì sợ quy hoạch, nên người dân không dám mạnh dạn đầu tư những dự án sản xuất nông nghiệp lớn. Từ đây, dẫn đến diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường bị bỏ hoang lớn, gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Chưa kể, ở một số quy hoạch khu dân cư đô thị trên địa bàn còn không đúng với thực tế. Hiện nay, toàn phường có rất nhiều tuyến đường không đúng quy hoạch, nên chưa được đầu tư. Bà con kiến nghị nhiều, nhưng chính quyền phường cũng không dám hứa.
Cũng theo ông Luyện, không những gây ảnh hưởng tới người dân, mà quy hoạch tồn tại hạn chế còn tạo nhiều thách thức cho chính quyền trong quản lý đất đai, xây dựng.
“Muốn chuyển đổi mục đích nhưng đất thuộc dự án quy hoạch, nên người dân không thực hiện được. Tình trạng xây dựng công trình chui, vượt quá diện tích đất được cấp phép… xảy ra nhiều, gây khó cho địa phương trong quá trình xử lý, giải quyết” - ông Luyện cho hay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Anh Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng - cho biết, quy hoạch chậm triển khai, thiếu tính đồng bộ, cùng với nhiều nguyên nhân khác đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, người dân sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế do ngưng canh tác hoặc canh tác cầm chừng khi có chủ trương thực hiện dự án. Ngoài ra, một số quyền trên thửa đất thuộc quyền sử dụng của người dân cũng bị hạn chế.
"Một số dự án đã có quyết định thu hồi đất, nhưng thiếu kinh phí thực hiện. Điều này dẫn đến thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, an cư của người dân” - ông Tuấn phân tích.
Theo Phan Tuấn (LĐO)