Đô thị

Quy hoạch kiến trúc Pleiku trong xu thế phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 90 năm hình thành và phát triển, đô thị Pleiku có không gian tuyệt đẹp, rất trữ tình với “Phố núi cao phố núi đầy sương”. Để phát triển và hội nhập, Phố núi Pleiku đang dần hình thành những điểm nhấn về kiến trúc trong tương lai.

Tìm về bản sắc...

Theo các chuyên gia, Pleiku là một đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu lý thuyết tầng bậc của châu Âu khi người Pháp đặt chân đến. Với hệ thống giao thông nhiều dốc đoạn cao thấp hoặc nằm vắt vẻo lưng chừng đồi là thế kiến tạo theo địa hình tự nhiên của vùng đất trầm tích núi lửa hình thành từ hàng triệu năm.

 

Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: Phan Nguyên

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà-Chủ tịch Hội Kiến trúc tỉnh, phân tích: “Khác với Đà Lạt, địa hình Pleiku có độ chia cắt mạch lớn hơn. Nhìn từ trên cao, địa hình giống như những chiếc bát úp, ngửa nên chúng ta dễ nhận thấy 2 bên ta-luy đường rõ nét âm-dương. Từ đó quá trình xây dựng đã tạo ra đặc trưng cho kiến trúc đô thị Pleiku lớp lang, tầng bậc như châu Âu”. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hà so sánh: Nếu như ở Đà Lạt, bạn đang đứng một góc chỉ nhìn thấy một cảnh. Ngược lại, tại Pleiku, đứng ở một điểm có thể nhìn thấy nhiều nhà theo lớp lang, tầng bậc. Đây là cái mà chúng ta nên giữ trong quy hoạch tổng thể ở tương lai mà người Pháp đã định hình cho kiến trúc đô thị Pleiku.

Với ý nghĩa đó, năm 2005, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 104/2005/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể Pleiku để phát triển hài hòa trong tương lai. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đang tiếp tục điều chỉnh quy hoạch để khai thác triệt để đặc trưng địa hình đồi núi Pleiku mà Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) phối hợp cùng Công ty Tư vấn Thiết kế AREP VILLE (Cộng hòa Pháp) thực hiện với tầm nhìn đến năm 2050.

Một điểm nhấn của Pleiku đó là các hồ nước tự nhiên, hồ nhân tạo, các khe suối, tụ thủy nằm bên những cánh rừng thông ba lá xanh ngút ngàn xen lẫn những vạt dã quỳ vàng rực. Thiên nhiên kiến tạo cho Phố núi hàng loạt thắng cảnh như: hồ Tơ Nưng (Biển Hồ), cánh đồng Ia Sol, Plei Ốp, Ia Xí... cùng với những buôn làng truyền thống đầy bản sắc đã tồn tại hàng trăm năm trong lòng đô thị; tiếp đó là không gian lễ hội, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Du khách có thể cảm nhận nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số khi đến Plei Roh (phường Đống Đa), làng Têng (xã Tân Sơn), làng Ngoh (phường Thắng Lợi)... trong một đô thị từng bước hiện đại. Sự nhấp nhô của địa hình được giữ nguyên khi xây dựng tạo thành các lớp nhà cao-thấp xen kẽ với rất nhiều cây xanh từ Quảng trường Đại Đoàn Kết, trụ sở UBND tỉnh, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG đến hồ Diên Hồng, hồ Ia Ring, Công viên Đồng Xanh. “Những điểm thấp nhất là các dòng chảy, khe suối, mạch nước, ruộng lúa. Trong tương lai, khi đô thị phát triển và khi nông dân là người đô thị đúng nghĩa thì những cánh đồng lúa sẽ trở thành những hồ nước thênh thang để cải thiện môi trường, cảnh quan và khí hậu”-TS.Nguyễn Hồng Hà phân tích.

Thành phố của ngàn thông và dã quỳ

Là một thành phố Bắc Tây Nguyên nên Pleiku có 2 mùa nắng-mưa rõ rệt. Mùa mưa với sự xanh tươi của cây cỏ; mùa khô với cái nắng vàng rót mật và gió ràn rạt. Hoa dã quỳ nở là thời điểm hấp dẫn cho du khách đến vùng đất núi lửa để thong thả ngắm cảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Hơn nữa, quỹ đất rộng sẽ là hình thái tụ nên kiến trúc phát triển dàn trải-thấp tầng với độ nén đô thị trung bình. Trong tương lai, Phố núi Pleiku sẽ tạo nên các hình thái đô thị cũng rất riêng biệt về chiều cao kiến trúc xây dựng.

Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS) Gia Lai Nguyễn Xuân Trực cho biết: Tại TP. Pleiku đã hình thành những đoạn phố có diện mạo của các đô thị lớn, phù hợp với nhiều thành phần kinh tế đang phát triển tại địa phương. Trong tương lai, tốc độ đô thị hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ, điều cần chú trọng là tính thẩm mỹ trong quy hoạch đô thị, vì đây được xem như là một trong những thành tố cơ bản làm gia tăng giá trị không gian sống, kiến trúc và cảnh quan đô thị. “Chúng tôi đã và đang cùng với chính quyền hướng đến phương án quy hoạch kiến trúc mang tính hiện đại nhưng vẫn dựa trên nền tảng gắn kết với phát triển đô thị xanh, bền vững; bảo tồn và phát huy bản sắc địa phương, gắn liền với không gian thiên nhiên núi đồi và các dòng suối thơ mộng vốn có”-ông Nguyễn Xuân Trực chia sẻ.

Hiện nay, đô thị Pleiku đang dần hình thành điểm nhấn cảnh quan với lâm viên Biển Hồ, Khu du lịch văn hóa tâm linh sinh thái nghỉ dưỡng Trúc Lâm Thiền viện, hồ Diên Hồng, Khu du lịch sinh thái Xuân Thủy, núi Hàm Rồng… “Chính quyền sẽ tiếp tục chọn lựa phương án kiến trúc, thông qua thi tuyển hoặc xét chọn như công trình thuộc các dự án đầu tư và các vị trí dự án quan trọng có ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị chung của thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận để đầu tư xã hội hóa các công trình dịch vụ đô thị”-Th.S.KTS. Đỗ Tiến Đông-Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết.

Một đô thị xanh, hiện đại, giàu bản sắc với các phong tục, tập quán lành mạnh, không gian tín ngưỡng đan xen đang đem đến cho Pleiku một kiến trúc đặc trưng thơ mộng mang phong cách riêng của miền núi cao nguyên. Đó cũng là một thành phố sương mù, một thành phố ngàn thông và dã quỳ như ý tưởng của TS.Nguyễn Hồng Hà đã từng chia sẻ.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm