Kinh tế

Doanh nghiệp

Quy hoạch là công cụ để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời phỏng vấn của Báo Gia Lai về giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

* P.V: Để tạo chuyển biến trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung nhận diện và tháo gỡ những điểm nghẽn nào, thưa ông?

Ông Đinh Hữu Hòa. Ảnh: H.D

- Ông ĐINH HỮU HÒA: Hiện nay, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: số lượng dự án triển khai trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư được UBND tỉnh phê duyệt chiếm tỷ lệ thấp; một số dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư được xây dựng trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư nên chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, tính chủ động của tỉnh và của từng địa phương. Bên cạnh đó, công tác xem xét, thẩm định hồ sơ chấp thuận đầu tư dự án chưa gắn với công tác kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng đất đai với nhu cầu sử dụng đất, quy mô đầu tư.

Những hạn chế đó một phần do yếu tố con người. Vì vậy, một trong những hoạt động quan trọng mà Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện là tổ chức tập huấn để cán bộ các tổ xúc tiến đầu tư cấp huyện nâng cao kỹ năng để công tác này hiệu quả hơn. Cụ thể, cán bộ được phổ biến quy trình lập danh mục dự án thu hút đầu tư; một số nội dung liên quan trong quá trình triển khai các dự án như: quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; danh mục thu hồi đất; quy hoạch 3 loại rừng; xử lý tài sản công...

* P.V: Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025. Đơn vị đã đề xuất giải pháp gì để tạo bứt phá trong công tác thu hút đầu tư?

- Ông ĐINH HỮU HÒA: Để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất những mục tiêu về thu hút đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành Kế hoạch và Đầu tư đề ra 7 giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục rà soát và áp dụng các chính sách một cách linh hoạt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cải cách hành chính toàn diện để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ đột phá về cơ chế, chính sách, cụ thể gồm: chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy cơ chế liên kết hình thành chuỗi sản phẩm, mô hình chuỗi sản phẩm, cơ chế liên kết; xây dựng chính sách cho các ngành ưu tiên, vượt trội; đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư, trong đó tập trung cải thiện tiếp cận đất đai và chất lượng quy hoạch.

Hai là, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nắm bắt các thủ tục pháp lý khi đăng ký đầu tư dự án. Đồng thời, tỉnh tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo sửa đổi, bổ sung tài liệu hướng dẫn quy trình đăng ký, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, dễ áp dụng đối với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Sở đẩy mạnh thực hiện tư vấn thủ tục đầu tư miễn phí, hỗ trợ cấp phép trong thời gian nhanh nhất, hướng dẫn trình tự thực hiện các quy trình đầu tư cũng như cùng doanh nghiệp tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc nhanh chóng, tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng vẫn trong phạm vi quy định của pháp luật.

Ba là, tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí không chính thức và chi phí thời gian cho nhà đầu tư. Tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thông qua việc thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố (DDCI). Chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm nghiêm minh, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Gia Lai nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Ảnh: H.D

Bốn là, đa dạng hóa hình thức thu hút đầu tư; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước thì thông qua các diễn đàn quốc tế, tỉnh sẽ đẩy mạnh, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI); lấy xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm; tăng cường công tác quảng bá thông tin, tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trong tỉnh còn tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Năm là, chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng vùng động lực. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; hạ tầng phục vụ cho khu-cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin viễn thông như: ưu tiên đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; mở rộng Cảng Hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu/cụm công nghiệp, logistics (Cụm Công nghiệp Đak Đoa, Ia Grai, Mang Yang, Đak Pơ; Trung tâm logistics tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và huyện Mang Yang).

Sáu là, đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; theo dõi tiến độ thực hiện, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư trọng điểm. Bên cạnh đó, phối hợp cùng với các sở, ngành kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến đất đai; dự kiến thu tiền sử dụng; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; tiếp tục duy trì tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ vướng mắc cũng như hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bảy là, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đa dạng, triển khai mạnh mẽ đào tạo theo nhu cầu xã hội, thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước để phát triển nguồn nhân lực. Đây là giải pháp vô cùng quan trọng để Gia Lai có được nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn cao ở một số lĩnh vực trọng điểm của tỉnh như: nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến công nghệ cao, y tế và chăm sóc sức khỏe, năng lượng tái tạo...

* P.V: Theo ông, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa như thế nào đối với công tác thu hút đầu tư trong giai đoạn tới?

- Ông ĐINH HỮU HÒA: Ngày 30-12-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định: Đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia; là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.

Quy hoạch tỉnh được coi là công cụ để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh, chúng ta có thể xác định những dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư qua từng giai đoạn, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh ở từng lĩnh vực của tỉnh. Ví dụ: Về nông-lâm nghiệp, tỉnh sẽ thu hút dự án về nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, sạch, trồng rừng, dược liệu, các trung tâm giống các loại; về công nghiệp, sẽ kêu gọi đầu tư các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng các khu-cụm công nghiệp, trung tâm logistics, cảng cạn, các nhà máy chế biến nông-lâm sản, giết mổ tập trung, súc sản, thức ăn gia súc… Về thương mại, dịch vụ, du lịch, tỉnh sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các dự án về khu trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp; khu đô thị thông minh; khu dân cư hiện đại; khu thể thao (sân golf); khu vui chơi giải trí; các khu du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, cộng đồng…

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Sở Kế hoạch và Đầu tư đang báo cáo UBND tỉnh về danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Trong đó, dự kiến tổng số danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh năm 2025 phù hợp với các cấp độ quy hoạch là 54 dự án; danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2026-2030 là 44 dự án. Tổng diện tích của 98 dự án trong danh mục thu hút đầu tư là 16.624,21 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến là 42.974,1 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm