Thời sự - Bình luận

Khoảng trống vàng chờ được lấp đầy

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Trong khi hầu hết các lĩnh vực đều đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần thì có một ngành công nghiệp tỉ USD ngay bên cạnh chúng ta đang chờ khai phá.

Đó chính là ngành công nghiệp Halal, gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo quy định của Hồi giáo. Tiềm năng của thị trường Halal là rất rộng lớn với dân số dự báo đạt 2,18 tỉ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số thế giới; quy mô đạt mức tối đa 3.000 tỉ USD vào năm 2025 và 10.000 tỉ USD trước năm 2030. Đáng nói, nhu cầu của thị trường này cũng chính là thế mạnh của VN, bao gồm các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, trái cây rau quả, may mặc...

Thế nhưng nếu như Thái Lan có tới 160.000 sản phẩm, 33.000 thương hiệu và 14.000 công ty được nhận chứng chỉ Halal thì VN tính đến nay chỉ xuất khẩu khoảng 20 sản phẩm Halal và cũng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. 41% địa phương VN chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal. Một so sánh nhỏ để thấy chúng ta chậm chân và vẫn còn khá thờ ơ với "mỏ vàng" này như thế nào.

Câu hỏi đặt ra là vì sao VN, cường quốc xuất khẩu của thế giới, lại chưa có tên trong danh sách 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu, trong khi chúng ta vẫn quyết liệt ngày đêm mở rộng thị trường thế giới, mở rộng thêm tệp khách hàng ngoại? Cần nhớ, thị trường Halal ngoài tiềm năng về nhu cầu lớn thì còn có lợi thế lớn là cũng tập trung chủ yếu ngay trong khu vực châu Á, giúp chi phí vận chuyển nhẹ hơn so với xuất khẩu sang Mỹ, EU... Giống như Trung Quốc mà chúng ta vẫn đang khai thác cả "đại lộ" lẫn thị trường ngách bao năm qua nhờ lợi thế láng giềng cũng như nhu cầu khổng lồ của thị trường.

Nguyên nhân có lẽ là vì các tiêu chuẩn, yêu cầu rất khắt khe và đặc thù của thị trường Halal khiến các doanh nghiệp ngại tiếp cận. Cũng như trước kia, khi thị trường Trung Quốc còn dễ tính, rất nhiều doanh nghiệp chỉ thích xuất khẩu sang nước này mà không quan tâm đến các thị trường khó tính hơn. Thậm chí ngay với Trung Quốc, chúng ta cũng chọn việc nhẹ nhàng hơn là chỉ bán tiểu ngạch chứ không đi đường chính cho mất công, mất sức. Chỉ đến khi Trung Quốc nâng cao chỉ tiêu chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa... mới buộc ta phải thay đổi cũng như tìm cách đa dạng hóa bạn hàng. Tương tự, ở các thị trường phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU thì ban đầu, chúng ta cũng chủ yếu xuất thô, dễ nhưng rẻ. Dần dần mới chuyển sang chế biến, mới có những sản phẩm đủ tiêu chuẩn lên quầy kệ siêu thị, vững vàng hơn, mang về thu nhập cao hơn. Với thị trường Halal, không chỉ khó tính mà còn hết sức đặc thù. Muốn xuất khẩu vào đây thì buộc phải tìm hiểu rất kỹ về thói quen, văn hóa, niềm tin của tín đồ đạo Hồi và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Mà để làm được như vậy, phải đầu tư quy trình sản xuất từ con giống, chuồng trại, thức ăn, giết mổ… kiện toàn theo đúng tiêu chuẩn Halal. Nói chung là vừa tốn kém chi phí, vừa khó khăn nên dù được đánh giá là "mỏ vàng" thì miếng bánh thị phần béo bở này vẫn chưa hấp dẫn, thậm chí hiện nhiều doanh nghiệp còn chưa biết về khái niệm Halal.

Tuy nhiên, đã là "mỏ vàng" thì chắc chắn sẽ có rất nhiều quốc gia, doanh nghiệp tìm cách khai thác. Nếu chúng ta cứ ngại, cứ ngủ quên ở các thị trường quen thuộc thì sẽ đánh mất cơ hội gia tăng xuất khẩu vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu mà các nước đang đẩy mạnh khai thác. Và đến khi chúng ta "giật mình" tỉnh giấc, hay khi gặp khó khăn muốn chuyển hướng thì "khoảng trống vàng" đã được lấp đầy. Đã có không ít bài học như vậy trước đây.

Tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal VN" mới đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định coi Halal là "cơ hội vàng", là định hướng mới trong hoạt động sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp, còn chần chừ gì mà không lấp đầy "khoảng trống vàng" này một cách mạnh mẽ, hiệu quả nhất?

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm