Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: Cần khoa học, cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày 13-2, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại hội thảo, nhiều ý kiến sát sườn đã được nêu ra để đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và một số huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Về phía đơn vị tư vấn có PGS-TS. Ngô Thị Phương Thảo-Trưởng bộ môn Kinh tế tài nguyên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS-TS. Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.D
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: H.D
Tại hội thảo, PGS-TS. Ngô Thị Phương Thảo-đại diện đơn vị tư vấn-cho biết: “Theo Luật Quy hoạch, việc quy hoạch tỉnh Gia Lai được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tích hợp các nội dung, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và các huyện, thị xã, thành phố có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh có tính tới yếu tố liên vùng và hội nhập kinh tế quốc tế”. Theo đó, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra một số nội dung sẽ tích hợp như: Định hướng chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; Quy hoạch phát triển giao thông vận tải; Thực trạng và phương hướng phân bố, khoanh vùng đất đai theo dân cư, theo khu chức năng và theo loại đất có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu của các đơn vị hành chính cấp huyện, vùng liên huyện; Thực trạng và định hướng bố trí không gian, nguồn lực cho phát triển ngành thương mại và logistics, nông-lâm nghiệp nông thôn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, dịch vụ và cơ sở hạ tầng mạng lưới cơ sở giáo dục-đào tạo...
Trao đổi thêm về quy hoạch, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho hay: Quy hoạch tỉnh sẽ thể hiện được những lợi thế của Gia Lai, chỉ ra được sự khác biệt để phát triển. Quy hoạch chủ yếu xác định các nhiệm vụ ưu tiên trong 5 năm tới; trong đó, theo tôi, nhiệm vụ xây dựng hệ thống các chương trình, dự án, nhu cầu và các điều kiện triển khai thực hiện quy hoạch là quan trọng nhất. Quy hoạch tỉnh cũng sẽ nêu ra các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện các bố trí quy hoạch, trong đó các giải pháp về phía chính quyền sẽ được thể hiện rõ ràng, cụ thể nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn.
Quy hoạch tỉnh lần này đã có sự phân tích, đánh giá các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, tài nguyên và môi trường đặc thù của địa phương; so sánh vai trò, vị thế của Gia Lai với các vùng và quốc gia có tác động đến sự phát triển của tỉnh; phân tích điều kiện, môi trường đầu tư, các chính sách khuyến khích đầu tư cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, báo cáo thuyết minh lập quy hoạch tỉnh vẫn chưa có những nội dung cụ thể về nhiệm vụ, mục tiêu cho từng địa phương trên địa bàn tỉnh qua từng giai đoạn. Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho rằng: “Đơn vị tư vấn cần xác định rõ đâu là vùng kinh tế động lực của tỉnh như: Pleiku, An Khê, Chư Sê và xem xét vùng Ayun Pa để có sự đầu tư tương ứng. Phải tính toán đưa chương trình định hướng Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam vào để xây dựng chiến lược phát triển hội nhập quốc tế, đồng thời bổ sung nhiệm vụ xây dựng phát triển du lịch. Về lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, đơn vị tư vấn cần đi sâu vào rà soát diện tích cây trồng để tìm ra loại cây thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, từ đó có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý”. Ông Hồ Phước Thành cũng lưu ý đơn vị tư vấn nên đưa thêm nội dung tăng cường phối hợp với các trường đại học lớn để mở các phân hiệu đại học tại Gia Lai.  
Về nội dung: “Phấn đấu xây dựng Gia Lai sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia” mà đơn vị tư vấn đưa ra, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho rằng: Cần đổi thành: “Phấn đấu TP. Pleiku trở thành đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên vì Bắc Tây Nguyên chỉ có 2 tỉnh. Riêng TP. Pleiku đã có quy hoạch riêng với định hướng phát triển thành thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe. Tôi đề nghị đơn vị tư vấn tích hợp phần quy hoạch riêng này vào quy hoạch chung của tỉnh”.
Phát triển đô thị Pleiku là một nội dung quan trọng trong quy hoạch tỉnh những năm sắp tới. Ảnh: Phan Nguyên
Phát triển đô thị Pleiku là một nội dung quan trọng trong quy hoạch tỉnh những năm sắp tới. Ảnh: Phan Nguyên
Tham gia hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề cập một số vấn đề cần lưu ý để đơn vị tư vấn nắm bắt được những yêu cầu của tỉnh, từ đó thể hiện trong quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Cần có đánh giá hiện trạng xem từ trước tới nay Gia Lai đi đúng hướng chưa? Nếu chưa đúng hướng là vì sao? Cần có định hướng Gia Lai nên đi theo hướng nào? Nguồn lực nào là chủ yếu? Xác định tới mốc 2030, kinh tế-xã hội Gia Lai tăng trưởng tới đâu và lúc đó cần rà soát điều chỉnh gì không? Gia Lai có diện tích hơn 15.500 km2, trong đó có 10.600 km2 là đất đỏ bazan, cần khai thác nguồn đất này sao cho hiệu quả, phù hợp? Cần xác định được hướng phát triển đô thị, trong đó có các đô thị mang tính đầu tàu như Pleiku, các đô thị vệ tinh là Chư Sê, An Khê, Ayun Pa, Đak Đoa… Đồng thời, định hướng quy hoạch Pleiku sẽ mở rộng như thế nào trong tương lai? Nhiệm vụ quy hoạch là nêu ra vấn đề để triển khai nên tôi đề nghị đơn vị tư vấn phải đánh giá đầy đủ hiện trạng thì mới xác định định hướng để Gia Lai có thể phát triển đột phá”.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nhấn mạnh: Gia Lai ở gần ngã 3 Đông Dương, là vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng đất đai rộng lớn với quy mô dân số còn thưa thớt, có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử-văn hóa đặc sắc với 44 dân tộc anh em… Khi quy hoạch phải tính toán đến phát triển công nghiệp, đường cao tốc nối Kon Tum-Gia Lai-Quy Nhơn, Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh, đồng thời nghiên cứu liên kết vùng Gia Lai với Duyên hải miền Trung. Gia Lai có tỷ lệ người dân tộc thiểu số là 46% nên khi xác định quy hoạch thì phải tìm ra các giải pháp, nhiệm vụ làm sao để người dân tộc thiểu số phát triển, thoát nghèo.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm