Trước các ý kiến trái chiều về việc bỏ hay giữ quy hoạch xây dựng tỉnh trong Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch, Quốc hội đã tổ chức thêm một phiên thảo luận trong chiều 9/11. Tuy nhiên, cũng như hai lần thảo luận trước đây, các đại biểu tiếp tục tranh luận “căng” với những quan điểm khác nhau, dù UBTVQH bày tỏ lo ngại “bỏ quy hoạch xây dựng có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế, xã hội”.
Thêm thủ tục, gây lãng phí?
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch chiều 9/11, các đại biểu đã tranh luận “căng” về việc có nên giữ lại quy hoạch xây dựng tỉnh hay không? Trong khi đó, trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại tổ và hội trường, có 24/37 ý kiến tán thành và đề nghị không lập Quy hoạch xây dựng tỉnh vì đã được tích hợp trong Quy hoạch tỉnh. Việc lập riêng Quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ dẫn đến cùng một cấp, cùng một nội dung của ngành xây dựng được lập, thẩm định đến 2 lần, tạo thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí, trùng lặp, chồng chéo và khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, quy hoạch xây dựng tỉnh là sự cụ thể hóa của quy hoạch tỉnh về mặt kỹ thuật chuyên ngành, không ngang cấp với quy hoạch tỉnh và hiện là cơ sở pháp lý quan trọng về mặt kinh tế, kỹ thuật đối với các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch vùng liên huyện.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu tại hội trường |
Theo ông Thanh, sau khi quy hoạch tỉnh được lập theo quy định của Luật Quy hoạch 2017 nếu quy hoạch xây dựng tỉnh có nội dung không phù hợp với quy hoạch tỉnh thì “điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cao hơn”. Thực tế theo ông Thanh, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (nay là quy hoạch xây dựng tỉnh theo dự thảo Luật sửa đổi) đã được triển khai thực hiện rộng rãi. Trong đó, đã có 58 quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, 5 quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hiện nay, có 15 địa phương đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, trong đó có 6 nhiệm vụ quy hoạch đã được phê duyệt và có 2 đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
“Việc bãi bỏ ngay quy hoạch vùng tỉnh, hiện chưa có thời gian và căn cứ để tích hợp vào quy hoạch tỉnh sẽ có thể gây ra các tác động phức tạp về kinh tế- xã hội mà chưa thể lường hết được”, ông Thanh cảnh báo, đồng thời cho rằng, với điều kiện hiện tại của nước ta, việc lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp như một số nước tiên tiến có điều kiện kinh tế phát triển thì cần có thời gian…Từ phân tích trên, UBTVQH đề nghị cho giữ nguyên quy định tại dự thảo Luật về quy hoạch xây dựng tỉnh.
Lo ngại “bị đập đi, bỏ hết”
Bày tỏ sự đồng tình với báo cáo giải trình UBTVQH, ĐB Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, quy hoạch xây dựng tỉnh là khâu quan trọng, có tính chất kỹ thuật, có chuyên ngành sâu và đã được thực hiện theo luật chuyên ngành, giúp cụ thể hóa các định hướng sử dụng về không gian, đất đai, môi trường trên địa bàn. “Quy hoạch xây dựng tỉnh là căn cứ quan trọng để địa phương có thể triển khai được các chương trình đầu tư công vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật và nâng cấp mở rộng hệ thống đô thị, đảm bảo phát triển về dân cư, mật độ lao động, nhà ở, thương mại”, ông Hùng nêu ý kiến.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng phải có quy hoạch xây dựng tỉnh vì đây là qui hoạch có tính chất đặc thù kỹ thuật cao. Theo bà, quy hoạch xây dựng vùng tỉnh có vai trò định hình không gian vật thể của vùng đô thị, nông thôn và các khu chức năng đặc thù trong tỉnh, trên cơ sở nhu cầu và dự báo sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều đại biểu lo ngại, nếu bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh thì tất cả các quy hoạch được lập trước đây sẽ không còn. Tuy nhiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết, tất cả nội dung của quy hoạch xây dựng vùng tỉnh trên thực tế đã được chuyển hết vào nội dung quy hoạch tỉnh.
“Không có chuyện các quy hoạch xây dựng tỉnh “bị đập đi, bỏ hết” mà kế thừa toàn bộ, từ đất đai, y tế, an ninh quốc phòng... và cập nhật thêm để ngành, địa phương cùng thời điểm xây dựng và thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Sinh khẳng định, đồng thời cho rằng, nếu vẫn để quy hoạch xây dựng tỉnh thì UBND tỉnh phải thuê tư vấn lập quy hoạch và phải được Bộ Xây dựng đồng ý thì mới được phê duyệt. Điều này làm kéo dài thời gian, UBND phải làm nhiều việc, chi nhiều ngân sách và không có tác dụng. Vì UBND tỉnh không thể quy định thêm nội dung Chính phủ đã phê duyệt, không thể chi tiết hơn được nữa. Từ đó, ông Sinh đề nghị bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh trong dự luật.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu về việc bỏ hay giữ quy hoạch xây dựng tỉnh vì còn nhiều ý kiến khác nhau.
Giải trình làm rõ thêm các ý kiến đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã báo cáo giải trình với Quốc hội nhiều lần về quy hoạch xây dựng tỉnh. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là thoả đáng và mong Quốc hội ủng hộ theo hướng giải trình trên, vì đó là ý kiến của cơ quan soạn thảo và Chính phủ. Nếu theo hướng này tức là vẫn giữ quy hoạch xây dựng tỉnh. |
Văn Kiên (TPO)