Tới phố biển Quy Nhơn, thủ phủ của miền đất võ Bình Định, nhiều lữ khách gần xa từng biết tiếng thắng cảnh Eo Gió ở xã Nhơn Lý, nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử ở phường Ghềnh Ráng...
Cảm mến vị nhạc sĩ tài hoa, phố biển Quy Nhơn từng có vài quán cà phê mang tên Trịnh Công Sơn - Ảnh: Nguyễn Dũng |
Ít ai biết rằng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có hai năm (từ 1963 đến 1964) học tại khóa 1, Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn).
Cũng tại mảnh đất duyên hải này, ông đã sáng tác hàng loạt ca khúc nổi tiếng sau thời Ướt mi (sáng tác năm 1958 tại Sài Gòn) như: Biển nhớ, Vết lăn trầm, Chiều một mình qua phố, Lời mẹ ru, Hoa buồn, Nắng thủy tinh, Cát bụi… Có những câu hát đến bây giờ nhiều thế hệ khán thính giả mộ điệu vẫn thuộc nằm lòng.
Nổi tiếng nhất trong số đó phải kể đến Biển nhớ với giai điệu rất thân quen: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về/ Triều sương ướt đẫm cơn mê/ Trời cao níu bước sơn khê…". Cớ sự của bài hát này, theo nhiều cựu sinh viên thuở ấy đang sinh sống tại phố biển thì, Trịnh Công Sơn cảm mến người đẹp cùng trường là Bích Khê, cùng sinh hoạt trong đội văn nghệ của trường do ông lập nên.
Giới sinh viên thời đó vẫn còn nhớ những đêm nhạc hội do đội văn nghệ của trường tổ chức, mà chính Trịnh Công Sơn là “thủ lĩnh”, tổ chức ở rạp Kim Khánh (nay là rạp 31.3), nằm ở ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn. Hiện nay rạp hát này trở thành rạp chiếu phim. Gần đó, hiện có một quán cà phê rất đông khách, cạnh tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ nhưng người dân địa phương cũng không hề biết, sự xuất hiện của Trịnh tại phố biển trong một thời gian ngắn ngủi nhưng lại giúp ông có nhiều tình ca chinh phục trái tim của bao thế hệ.
Cảm mến vị nhạc sĩ tài hoa, phố biển từng có vài quán cà phê mang tên ông. Trước đây, ở đường Xuân Diệu, gần đoạn tượng đài Chiến Thắng (kỷ niệm nhiều thế hệ đi tập kết ra Bắc) có một quán cà phê như vậy. Năm 1995, tại số 70 Trần Cao Vân có quán Thu Vàng, có ban nhạc biểu diễn, chuyên trình bày ca khúc của Trịnh nhân sinh nhật của ông hằng năm (28.2). Nơi đây, ca sĩ Quang Dũng, cựu học sinh của trường THPT Nguyễn Thái Học đã từng hát rất nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn. Sau đó, anh vào Sài Gòn lập nghiệp và nổi danh cũng bằng nhiều ca khúc của Trịnh. Tháng 10.1998, Trịnh Công Sơn đã ghé tới quán cà phê này sau nhiều năm xa cách “biển nhớ”. Hơn hai năm sau (ngày 1.4.2011), ông đã đi vào cõi thiên thu. Tới nay thì quán cà phê này không còn nữa, cũng là điều nuối tiếc cho nhiều người yêu nhạc Trịnh.
Đường Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn - Ảnh: Vương Khánh Công |
Năm 2018, tỉnh Bình Định đã đặt tên một con đường mang tên Trịnh Công Sơn ở gần Đại học Quy Nhơn - nơi ông đã từng học để tri ân vị nhạc sĩ tài hoa, nối đường An Dương Vương sát biển Quy Nhơn với đường Đặng Văn Chấn ở phường Nguyễn Văn Cừ. Con đường này dài khoảng 200m, đã được láng nhựa, hai bên đường còn những khoảng đất trống sẽ được xây dựng nhà, hình thành phố xá trong nay mai. Sắp tới sẽ còn đặt tượng người nhạc sĩ tài hoa này gần trường Đại học Quy Nhơn với hy vọng sẽ thu hút khách du lịch gần xa.
Về với phố biển, viễn khách sẽ được dạo chân thăm thú những con đường im lìm, nên thơ nơi mà cố nhạc sĩ tài hoa đã để lại nhiều dấu ấn.
Theo VƯƠNG KHÁNH CÔNG (thanhnien)