Dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống HIV/AIDS, buộc người nhiễm HIV phải thông báo với bạn tình, đồng thời mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ẢNH GIA HÂN |
Mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV
Trình bày tờ trình dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11.8, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, luật HIV năm 2006 quy định, chỉ những người trực tiếp chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV được thông báo kết quả xét nghiệm HIV và chưa có quy định cụ thể ai được quyền tiếp cận thông tin người nhiễm HIV.
"Điều này khiến nhiều người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV nhưng vẫn làm lây nhiễm HIV cho người khác", ông Long nêu.
Bên cạnh đó, theo ông Long, do không tiếp cận được thông tin người nhiễm nên không thể xác định được đối tượng, khu vực lây nhiễm HIV cao để có biện pháp phòng chống HIV/AIDS phù hợp; gây khó khăn trong việc thực hiện các quy định, chính sách bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh...
Từ đó, ông Long cho biết, dự thảo luật đề nghị bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho người có quan hệ tình dục với họ để phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người đó.
“Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục”, ông Long nói.
Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, đồng thời quy định phạm vi và nội dung thông tin của người nhiễm HIV được tiếp cận để đảm bảo giữ bí mật thông tin của người nhiễm HIV, nhưng vẫn thực hiện các nhiệm vụ trong phạm vi được giao.
Cụ thể, dự luật quy định, những người được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV, gồm người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ của cơ quan giám sát dịch HIV/AIDS; cơ quan bảo hiểm xã hội khi trực tiếp thực hiện việc giám định, thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi trực tiếp thực hiện việc thanh toán, quản lý thông tin khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm HIV.
Cần cân nhắc
Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng được tiếp cận thông tin và nên sửa theo hướng quy định nguyên tắc, theo đó các chủ thể được tiếp cận thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người nhiễm HIV có trách nhiệm giữ bí mật thông tin người nhiễm HIV, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Ủy ban này, cần chính sách mở rộng các chủ thể được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV rõ ràng có ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của cá nhân người nhiễm HIV. "Việc không bảo mật được thông tin cá nhân liên quan đến HIV có thể dẫn đến tình trạng người dân tránh không sử dụng dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV", bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, nêu.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội phát biểu tại phiên họp ẢNH GIA HÂN |
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cũng cho hay, thực tiễn giám sát cho thấy, có một số nhóm đối tượng có thể tiếp cận hoặc biết được thông tin về tình trạng nhiễm HIV của người khác khi thực hiện chức trách công vụ.
Từ đó, bà Thúy Anh đề nghị, dự luật cần tiếp cận vấn đề này một cách bao quát hơn để quy định phù hợp và bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung theo hướng không chỉ chủ thể mà còn theo các trường hợp cụ thể để không làm phát sinh các hệ lụy pháp lý bất lợi cho các chủ thể liên quan.
Cho ý kiến sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị lưu ý việc đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin của người nhiễm HIV vì đây là chủ trương nhất quán xưa nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, thì tán thành quy định người nhiễm HIV phải có nghĩa vụ thông tin cho bạn tình việc mình nhiễm HIV. “Đây là điều cần thiết và tôi đồng tình”, ông Tùng nói và cho rằng, cần phải quy định rõ phương thức, thời hạn, cách thức thông báo để có căn cứ xác định một người đã thực hiện nghĩa vụ đó chưa, chứ không nên quy định chung chung. Theo ông Tùng, điều này sẽ giúp xác định yếu tố cấu thành tội lây truyền HIV cho người khác quy định trong bộ luật Hình sự 2015.
Về mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, ông Tùng đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về trình tự thủ tục tiếp cận thông tin cũng như mục đích sử dụng và trách nhiệm khi để lộ lọt thông tin.
Đề xuất trẻ 15 tuổi xét nghiệm HIV không cần sự đồng ý của cha, mẹ
Dự thảo luật quy định giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay. Trường hợp trẻ nhiễm HIV thì cơ sở xét nghiệm sẽ thông báo cho cha mẹ, người giám hộ biết để kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện chăm sóc và điều trị cho trẻ.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành điều n ày , nhưng đề nghị Chính phủ khi xây dựng văn bản quy định chi tiết cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm để bảo đảm nguyên tắc quyền được bảo vệ của trẻ em.
Theo Lê Hiệp (Thanh Niên)