(GLO)- Sáng 6-11, Thành ủy Huế tổ chức hội nghị ra mắt cuốn sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế (1954-1975)” do Ban Thường vụ Thành ủy Huế chủ trương biên soạn. Sách dày 500 trang với 5 chương, phản ánh khá đầy đủ bức tranh toàn cảnh về hoạt động đấu tranh yêu nước và cách mạng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Huế thời kỳ chống Mỹ trong lòng đô thị Huế.
Cuốn sách “Lịch sử phong trào đô thị Huế (1954-1975)” do Ban Thường vụ Thành ủy Huế chủ trương biên soạn. |
Theo đó, cuốn sách đã khái quát phong trào đô thị Huế 1954 - 1975; Chính sách Ngô Đình Diệm ở Thừa Thiên-Huế và Huế, phong trào đô thị Huế trước 1963, phong trào Phật giáo Huế 1963; Các phong trào chống Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương, Mỹ-Thiệu-Kỳ, phong trào sau sự kiện “Biến động miền Trung”, phong trào nổi dậy Xuân 1968, phòng trào chống bắt lính, đoàn ngũ hóa thanh niên, sinh viên học sinh và quân sự hóa học đường...
Ngoài ra, cuốn sách còn có nhiều ảnh tư liệu về báo chí, các vở kịch, chương trình văn nghệ... trong phong trào đô thị Huế, đặc biệt có ảnh chụp bốn bức tranh bút sắt của họa sĩ Bửu Chỉ trong số các tranh trong phong trào tranh đấu lúc bấy giờ.
Ban Thường vụ Thành ủy Huế cho biết, nội dung cuốn sách thể hiện sự công phu của Ban Biên soạn trong việc sưu tầm các tư liệu từ nhiều phía, nhiều nhân chứng lịch sử. Qua đó tạo nên sự thuyết phục, khách quan và đầy đủ những cứ liệu chính xác phác họa sinh động phong trào đô thị Huế.
Khẳng định vai trò xung kích của thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố Huế và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn cùng đứng lên đòi hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, tự do, dân chủ, dân sinh… trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ. Sách Lịch sử Phong trào đô thị Huế 1954-1975 nói về phong trào đô thị Huế nhưng đồng thời cũng thể hiện phong trào đô thị của cả nước.
Đây là nguồn tư liệu quý giá, giúp cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên thành phố Huế tự hào về một thời kỳ đầy khí phách của cha anh đi trước, để trân trọng, gìn giữ và phát huy. Đồng thời cuốn sách cũng là cơ sở để nghiên cứu, rút ra những bài học trong việc giữ nước và dựng nước, bài học lấy dân làm gốc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng.
Bùi Oanh