Sức khỏe

Ra mắt phim truyền thông " Rủi ro dịch bệnh từ việc tiêu thụ động vật hoang dã"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên vừa ra mắt phim truyền thông thứ 52 chia sẻ những rủi ro về sức khỏe từ việc đi ăn tại một nhà hàng có kinh doanh động vật hoang dã và từ đó kêu gọi cộng đồng không ủng hộ các cơ sở kinh doanh này nhằm giảm thiểu nguy cơ tuyệt chủng các loài động vật quý hiếm, bảo vệ môi trường sinh thái các giống loài, phòng ngừa dịch bệnh từ các loài vật hoang dã…

Trong phim, một gia đình trẻ đang hào hứng ăn tối tại một nhà hàng sang trọng. Họ chỉ đơn giản gọi món thịt lợn yêu thích, tuy nhiên, những người này không biết rằng người đầu bếp của họ vừa mổ thịt một cá thể cầy và việc liên tục chế biến các món ăn trong đó có động vật hoang dã mà không đảm bảo quy trình vệ sinh rất có thể sẽ lan truyền các tác nhân gây bệnh từ cá thể cầy sang món ăn thực khách đã đặt.

Phim truyền thông về rủi ro sức khỏe khi ăn uống tại nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã. Ảnh: ENV
Phim truyền thông về rủi ro sức khỏe khi ăn uống tại nhà hàng kinh doanh động vật hoang dã. Ảnh: ENV

Báo Tuổi trẻ Thủ đô thông tin: Tại Việt Nam, nhiều cá thể động vật hoang dã bất hợp pháp vẫn được đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng. Tình trạng này không chỉ tác động tiêu cực đến quần thể tự nhiên của các loài động vật hoang dã mà còn gia tăng nguy cơ khách hàng bị phơi nhiễm với mầm bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã.

Thật khó để thực khách có thể biết chắc chắn nguồn gốc của các cá thể động vật hoang dã được kinh doanh hay liệu quy trình chế biến tại nhà hàng có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó cũng có nghĩa là họ hoàn toàn có thể bị “phơi nhiễm” với mầm bệnh mà không hề hay biết. Trên thực tế, khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong vòng 30 năm qua có nguồn gốc từ động vật, trong đó chủ yếu từ động vật hoang dã.

Sau khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, dịch COVID-19 dường như đã bị “lãng quên”. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ những mất mát, tổn thất to lớn mà dịch COVID-19 đã gây ra cho các gia đình, doanh nghiệp và cả nền kinh tế của đất nước.


Đoạn kết của phim đã truyền tải thông điệp: “Không tiêu thụ động vật hoang dã  nhưng bạn vẫn có thể bị phơi nhiễm với dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Hãy tránh xa các nhà hàng hoặc cơ sở khác có nuôi nhốt hoặc tiêu thụ động vật hoang dã.”

Bà Nguyễn Thị Phương Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên nhấn mạnh: “mỗi năm, hàng nghìn cá thể động vật hoang dã bị săn bắt trái phép sau đó nhập lậu, hợp pháp hóa thông qua các cơ sở nuôi được cấp phép, trước khi được đưa vào các nhà hàng và cơ sở kinh doanh khác. Buôn bán trái phép động vật hoang dã  không chỉ là một hiểm họa đối với đa dạng sinh học mà còn đang là đe dọa chính cuộc sống của con người. Chúng ta cần ngăn chặn buôn bán trái phép động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.”

Không chỉ chia sẻ về nguy cơ lan truyền dịch bệnh qua hoạt động tiêu thụ các món ăn từ động vật hoang dã, phim mong muốn kêu gọi cộng đồng nói “không” với các hoạt động khác có thể gia tăng nguy cơ lan truyền dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã sang người như nuôi nhốt hay sử dụng trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Trước đó, phim truyền thông của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên về quy trình hoạt động của đường dây nóng bảo vệ động vật hoang dã 1800-1522 đã được phát sóng trên 54 kênh truyền hình quốc gia. Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên hy vọng phim "Rủi ro dịch bệnh từ việc tiêu thụ động vật hoang dã" sẽ được chia sẻ rộng rãi trên các kênh truyền hình khắp cả nước, đưa thông điệp bảo vệ động vật hoang dã tới hàng trăm triệu người theo dõi.

QUANG VĂN (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm