Kinh tế

Nông nghiệp

Rau an toàn khó tìm đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2012, UBND phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã triển khai mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, qua 6 năm triển khai, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm rau an toàn vẫn đang là vấn đề hết sức nan giải.

Ý thức người sản xuất được nâng cao

Hơn 4 giờ chiều, trên mảnh vườn hơn 2.000 m2 trồng đủ các loại rau xanh, vợ chồng ông Nguyễn Văn Huyền (tổ 3, phường Thống Nhất) đang cặm cụi thu hoạch nốt đám cải cúc để làm lại đất luân canh loại rau khác. Ông Huyền chia sẻ: “Gia đình tôi sản xuất rau an toàn từ năm 2012. Gắn bó với nghề trồng rau đã gần 20 năm, tôi nhận thấy sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP giúp giảm đáng kể sức lao động, giảm những mối nguy hại đến sức khỏe do không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. Thay vào đó, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ dùng phân bón và các chế phẩm sinh học, sản phẩm khi thu hoạch phải được theo dõi quá trình cách ly nhằm đảm bảo mức cho phép tồn dư thuốc”.

 

Việc nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của nhiều hộ dân phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đang gặp khó khăn. Ảnh: V.T
Việc nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của nhiều hộ dân phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đang gặp khó khăn. Ảnh: V.T

Cũng như ông Huyền, từ lâu, gia đình chị Võ Thị Hồng (tổ 3, phường Thống Nhất) đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. “Khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang ngày càng trở nên nhức nhối, chúng tôi luôn ý thức đem đến sản phẩm an toàn nhất cho người tiêu dùng”.

Là người gắn bó với mô hình từ ngày đầu triển khai, cũng là người đặt vấn đề với Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) về việc hỗ trợ và vận động nông dân trong phường chuyển từ sản xuất rau thông thường sang trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, ông Bùi Ngọc Nam-nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất, cho biết: Ban đầu, chúng tôi vận động được 30 hộ sản xuất rau xanh ở tổ 3 và tổ 6 tham gia với diện tích 15 ha.

Để giúp các hộ có cơ hội tiếp cận với phương thức sản xuất rau an toàn, ngay từ khi triển khai, mỗi hộ được cấp giống, phân bón, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, được cấp sổ nông lịch để ghi chép theo dõi quá trình xuống giống, bón phân, dùng chế phẩm sinh học, thu hoạch. Qua một thời gian, hiệu quả mang lại rõ rệt nhất của mô hình là đã làm thay đổi cách làm của bà con nông dân để hướng đến một nền sản xuất an toàn. Trong quá trình sản xuất, những hộ đăng ký tham gia mô hình liên tục được kiểm tra bằng máy test nhanh sản phẩm và kết quả luôn đạt tiêu chuẩn chứng nhận an toàn thực phẩm. Từ đó để thấy rằng, dù là sản xuất đơn lẻ nhưng ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt.

Cần xây dựng thương hiệu rau an toàn

Việc vận động người dân từ bỏ thói quen canh tác cũ tiến đến sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP là một thành công lớn trong thời buổi giá cả và đầu ra bấp bênh như hiện nay. Song, làm thế nào để tất cả người dân tham gia thì ngay cấp quản lý cũng như bản thân người sản xuất đều rất trăn trở. “Hiện nay, chúng tôi làm được bao nhiêu đều tự tìm mối bán, chủ yếu là bán cho các vựa rau ở chợ đêm Pleiku. Việc tìm đến các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi rất khó vì sản phẩm làm ra không có chứng nhận thương hiệu, thử hỏi ai tin?”-chị Võ Thị Hồng bộc bạch.  

Theo bà Phạm Thị Tranh-Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất, do đầu ra không có, người dân phải tự tìm mối bán cho các thương lái nên giá rau an toàn cũng chỉ ngang bằng với giá rau sản xuất kiểu truyền thống. Trong khi đó, quy trình sản xuất phải áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt và chi phí cũng cao hơn. Điều này khiến việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, qua 6 năm triển khai mô hình, từ 30 hộ tham gia ban đầu với diện tích 15 ha, nay chỉ còn 22 hộ tham gia với diện tích 10 ha.

“Việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng đối với thực phẩm. Do đó, cần có một đầu mối đứng ra liên kết các hộ lại với nhau trong sản xuất, đồng thời bao tiêu sản phẩm cho nông dân và đăng ký nhãn hiệu. Làm được việc này mới mong sản phẩm rau an toàn của người dân có được đầu ra ổn định. Và một khi đã có đầu ra ổn định thì người dân sẽ yên tâm sản xuất. Việc nhân rộng mô hình ở những địa bàn khác cũng sẽ nhanh chóng và mang lại hiệu quả”-bà Tranh trăn trở.

Vũ Thảo

Có thể bạn quan tâm